Cuộc đua tìm kiếm các nguồn "vàng trắng" trên toàn cầu

Được mệnh danh là "vàng trắng", lithium có giá trị rất lớn trong thế giới hiện đại. Mặc dù giá lithium đã giảm mạnh từ các mức cao hồi cuối năm 2022, Trung Quốc vẫn kiểm soát nguồn cung kim loại giá trị này. Điều này tiếp tục thúc đẩy nhiều nước nỗ lực tiếp cận lithium.

Lithium là thành phần thiết yếu trong pin xe điện có thể sạc lại và các nguồn năng lượng điện Mặt Trời và điện gió. Trong khi đó, mật độ năng lượng cao và tuổi thọ dài của pin lithium-ion cũng khiến lithium trở thành thành phần phổ biến như trong các sản phẩm điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh và máy tính xách tay.

Trung Quốc không chỉ chiếm lĩnh lĩnh vực lọc lithium toàn cầu mà còn kiểm soát chuỗi cung ứng kim loại này, dù chỉ chế biến chưa tới 7% dự trữ lithium của thế giới. Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu và lọc kim loại này lớn nhất, chiếm 70% tổng lượng hợp chất lithium. Trong khi đó, nước này chiếm 70% sản lượng lithium toàn cầu, chủ yếu cho các nhà sản xuất pin lithium trong nước.

Trong khi Mỹ và một số quốc gia châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung lithium của Trung Quốc, bản thân Trung Quốc tiếp tục muốn tìm kiếm nguồn lithium trên khắp thế giới. Bloomberg mới đây đưa tin nhà sản xuất linh kiện pin CNGR của Trung Quốc đang xem xét mua cổ phần trong các dự án nước muối lithium ở Argentina (Ác-hen-ti-na) trong nỗ lực thiết lập một liên kết mới trong chuỗi cung ứng.

Quốc gia láng giềng của Trung Quốc là Ấn Độ đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung lithium. Theo các phương tiện truyền thông, nhà sản xuất vật liệu pin Altmin đang đàm phán với Chính phủ Australia (Ôx-trây-li-a) để tiếp cận nguồn lithium của nước này. Là nhà sản xuất vật liệu điện cực dương, Altmin tiếp nhận hợp chất lithium carbonate từ Brazil (Bra-xin) và Bolivia (Bô-li-vi-a). Do chưa có các cơ sở chế biến lithium tại Ấn Độ, chính phủ nước này tiếp tục đưa ra các sáng kiến khuyến khích các công ty tư nhân xây dựng các cơ sở ở trong nước.

Khi thế giới chuyển sang năng lượng bền vững, nguồn cung lithium đảm bảo có thể đóng một vai trò thiết yếu trong sự thành công và tính hiệu quả của các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai. Trung Quốc là nước dẫn đầu về số lượng xe điện trên thế giới cũng như về lithium. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã giành được độc quyền về các chuỗi cung ứng một số khoáng sản như cobalt, lithium và nhiều kim loại đất hiếm.

Các nước giàu lithium ở châu Phi từ lâu đã thu hút sự quan tâm của Trung Quốc. Chỉ khoảng 5% dự trữ quặng lithium tự nhiên của toàn cầu là ở châu Phi và một nhóm các quốc gia như CHDC Congo (Công-gô), Ethiopia (Ê-ti-ô-pi-a), Ghana (Ga-na) và Mali có trữ lượng lithium lớn. Trước nhu cầu về vật liệu pin trên toàn cầu, đây là một có hội lý tưởng để tạo ra nguồn thu lớn.

Việc xây dựng một nhà máy chế biến lithium ở bất kỳ quốc gia châu Phi nào sẽ cần có nguồn điện và lithium thô liên tục. Một trong những thách thức lớn khác là việc thiếu cơ sở hạ tầng giao thông. Trung Quốc tiếp tục mua các mỏ đất hiếm và các khoáng sản khác ở châu Phi, chuyển vật liệu thô về nước tinh chế.

Sự thành công của toàn cầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng có thể phụ thuộc vào việc châu Phi đàm phán ra sao về khai thác lithium với Trung Quốc và các quốc gia khác.