Họp trực tuyến về các dự thảo nghị định liên quan đến lĩnh vực đất đai

Ngày 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành trung ương và địa phương về các Nghị định: Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai. Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định về điều tra cơ bản đất đai gồm 11 điều; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai gồm 25 điều; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gồm 3 chương, 32 điều. Theo đó, các dự thảo quy định chi tiết đầy đủ các chương, điều, khoản, tạo sự thống nhất giữa pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với gắn sát với thực tiễn, bảo đảm tính kế thừa và phát triển ổn định của hệ thống pháp luật đất đai.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi và cơ bản thống nhất với nội dung trong các dự thảo nghị định và đề xuất bổ sung, làm rõ một số vấn đề như: Quy trình hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đối với công trình có yêu cầu thẩm định; kinh phí cho việc xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai từ ngân sách nhà nước; công tác thực hiện chỉnh lý biến động bản đồ địa chính. Trách nhiệm triển khai điều tra, cải tạo, phục hồi đất của các đơn vị, cơ quan; chính sách hỗ trợ bồi thường tài sản trên đất, khu vực bố trí tái định cư khi thu hồi đất…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, bộ, ngành trung ương và địa phương, cơ quan soạn thảo tập trung rà soát, lựa chọn những nội dung đề xuất mang tính thực tiễn để đưa vào dự thảo các nghị định. Bên cạnh đó, sắp xếp, bố trí hợp lý các chương, điều khoản để tránh trùng lắp; xây dựng cấu trúc nội dung khoa học, đảm bảo bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai để khi Chính phủ ban hành sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.