Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động

Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong tình hình mới đảm bảo đúng mục đích, quy định của pháp luật; ngày 7/6/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2520/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới (Chỉ thị 31) trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch của UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức triển khai Chỉ thị 31 phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm túc với sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện tốt 3 mục tiêu chính đó là: Phấn đấu giảm tai nạn lao động (TNLĐ), nhất là TNLĐ nghiêm trọng, tỷ lệ TNLĐ chết người giảm ít nhất 4%/năm. Số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/ năm. Số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.

Để thực hiện tốt, có hiệu quả mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, xã, phường, thành phố, thị trấn; các đơn vị doanh nghiệp và người sử dụng lao động căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động lập kế hoạch, dự toán kinh phí, xây dựng và tổ chức triển khai các hoạt động theo lĩnh vực, phạm vi quản lý. Đồng thời tập trung thực hiện tốt 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà kế hoạch đề ra. Trọng tâm là rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về ATVSLĐ. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về ATVSLĐ. Đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, giữa các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị 31.

Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất.

Về nhiệm vụ cụ thể, Kế hoạch của UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TT&XH) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, tiếp tục nâng chất lượng công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, trong đó: Thực hiện tốt việc phân tích, dự báo, cập nhật kịp thời tình hình ATVSLĐ, TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham mưu Hội đồng ATVSLĐ tỉnh sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác ATVSLĐ hằng năm, tổ chức đối thoại chính sách về ATVSLĐ; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn cán bộ có năng lực, chuyên môn về công tác ATVSLĐ thành lập Tổ tư vấn chính sách về ATVSLĐ, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia về ATVSLĐ làm công tác tư vấn chính sách, phân tích đánh giá phục vụ công tác quản lý ATVSLĐ trên địa bàn; xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức tôn vinh người làm công tác ATVSLĐ theo chế độ chuyên trách và bán chuyên trách tiêu biểu suất sắc tại doanh nghiệp, bằng hình thức xã hội hóa (không sử dụng ngân sách) nhằm tôn vinh, nhân rộng các sáng kiến, mô hình hoạt động ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cơ sở.

Các đơn vị: Sở Công Thương tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực ngành quản lý như: Xăng dầu, an toàn điện, hóa chất, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí luyện kim và các loại máy, áp lực, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật an toàn, an toàn thực phẩm, an toàn cơ khí, áp lực. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ trong thi công xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình giao thông trong đô thị, đặc biệt là các công trình xây dựng có tầng hầm, công trình xây dựng cao tầng có người lao động làm việc trên cao và có các loại máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đình chỉ thi công đối với các nhà thầu không tuân thủ đúng quy định về ATVSLĐ tại các công trình xây dựng theo quy định pháp luật.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TT&XH tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ thuộc các khu công nghiệp trong phạm vi quản lý. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo công đoàn các cấp, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp tăng cường đội ngũ an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao dộng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức về ATVSLĐ cho người lao động. Tổ chức các hoạt động đối thoại, thương lượng về bảo đảm ATVSLĐ và điều kiện làm việc, cải thiện chất lượng bữa ăn ca. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” thiết thực hiệu quả.

UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch của địa phương mình trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc: “Phải phù hợp và gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch thực hiện Chỉ thị 31; đặc biệt lưu ý duy trì các hoạt động thống kê người bị chết do TNLĐ từ số người chết trong sổ khai tử (tư pháp) ở tất cả các xã, phường, thị trấn; bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện”.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiên nghiêm các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Phân công, bố trí người có đầy đủ chuyên môn, năng lực làm công tác ATVSLĐ chuyên trách hoặc bán chuyên trách; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho các đối tượng theo quy định; thực hiện việc kiểm định các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trước khi đưa vào sử dụng; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và có biện pháp kiểm tra, giám sát buộc người lao động sử dụng đúng và đầy đủ các phương tiện trang bị bảo vệ cá nhân đã được cấp phát. Tăng cường công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ để phát hiện những thiếu sót và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; định kỳ, trước ngày 15/12 hằng năm các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Sở LĐ-TT&XH để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.