Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận được phân bổ kế hoạch vốn 759,6 tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài, đến ngày 15/5 tổng vốn đã thanh toán đạt 125,2 tỷ đồng, đạt 16,48% so với kế hoạch. Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn của địa phương cao hơn trung bình cả nước, nhưng đây vẫn là mức giải ngân đạt thấp. Do đó để đạt mục tiêu giải ngân vốn theo kế hoạch đề ra, cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trong thời gian tới.

Một trong những dự án trọng điểm của tỉnh hiện đang sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đó là Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, được giao cho Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước làm chủ đầu tư. Trong năm 2024, riêng dự án này đã được phân bổ một nguồn vốn lớn với 438,869 tỷ đồng. Mặc dù có nhiều nỗ lực của chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu tạo nhiều chuyển biến tích cực trong việc thi công, quyết tâm đưa dự án về đích trước thời hạn cuối là ngày 30/6/2024, nhưng đến nay dự án mới chỉ giải ngân đạt khoảng 8% kế hoạch. Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước, cho biết: Tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm đạt thấp nguyên nhân chủ yếu do khối lượng giải ngân của dự án nằm phần lớn ở gói thầu xây lắp. Đây cũng là thời điểm các nhà thầu tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực để thi công công trình hoàn thành trước ngày đóng dự án, do đó công tác nội nghiệp trình hồ sơ giải ngân chưa thực hiện kịp thời. Hiện nay các nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán để giải ngân khối lượng thực hiện. Theo kế hoạch sẽ tiếp tục thanh toán và giải ngân số vốn còn lại hoàn thành trong năm 2024.

Thi công công trình Hồ điều hòa trung tâm thuộc dự án môi trường bền vững
Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Anh Tuấn

Cũng là dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài với lượng vốn phân bổ trong năm tương đối lớn với hơn 285,7 tỷ đồng, Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị hạn hán, tỉnh Ninh Thuận (ADB8) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư cũng đang nỗ lực nhằm giải ngân hết vốn trong năm 2024. Tuy nhiên hiện nay dự án cũng gặp một số khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn ODA. Bên cạnh đó, dự án hiện phát sinh chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng nên phải điều chỉnh bổ sung chi phí vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh, yêu cầu cần phải lập thủ tục điều chỉnh dự án và cân đối vốn cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến nay dự án đã giải ngân được 83,4 tỷ đồng, đạt gần 30% kế hoạch.

Khó khăn nhất trong công tác giải ngân hiện nay vẫn là Dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận (SACCR Ninh Thuận) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Dự án có vốn kế hoạch giao năm 2024 là 34,9 tỷ đồng từ nguồn ODA không hoàn lại. Dự án này giải ngân gặp khó khăn do có sự thay đổi về nhu cầu hỗ trợ, thời gian chuẩn bị thực hiện kéo dài. Trong khi đó thủ tục điều chỉnh, lựa chọn nhà thầu mất nhiều thời gian, phải xin ý kiến đồng thuận của nhà tài trợ trước khi trình thẩm định...

Đồng chí Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, trong đó hết quý III, đạt trên 60% và hết quý IV đạt trên 90%; riêng giải ngân kế hoạch vốn năm trước được phép kéo dài đến hết quý III/2024 phải đạt 100% kế hoạch. Do đó, các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác giám sát, đôn đốc tiến độ; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, tránh tình trạng để dồn vào các tháng cuối năm. Mặt khác theo dõi, bám sát ý kiến chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương và địa phương để được kịp thời hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương tạo điều kiện và rút ngắn thời gian phê duyệt đơn rút vốn; quan tâm, hướng dẫn hỗ trợ địa phương kịp thời trong các thủ tục liên quan, bởi thực tế các dự án có vốn nước ngoài phải thực hiện nhiều bước, nhiều thủ tục theo hiệp định và ý kiến của nhà tài trợ, phải thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết gửi cơ quan chức năng phê duyệt trước khi tiến hành các thủ tục rút vốn. Các thủ tục này mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân các dự án.