Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 10/1/2022 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các cấp, các ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt, xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ được ban hành đã khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp và hộ nông dân tích cực đầu tư phát triển sản xuất, nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới được áp dụng đại trà, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mặt hàng nông sản.
Mô hình trồng nho áp dụng hệ thống nhà màng và tưới tiết kiệm của anh Nguyễn Đình Trí.
Nổi bật trong ứng dụng KHCN vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, đó là lĩnh vực trồng trọt, có nhiều loại cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới tự động trên cây nho, táo, dưa lưới, măng tây xanh, hành, tỏi, mía, đậu phộng, cây ăn quả; trồng cây trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Lĩnh vực chăn nuôi sử dụng hệ thống cảm biến điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi, máng ăn máng uống tự động, dây chuyền giết mổ công nghiệp; quản lý, theo dõi sản xuất, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Đối với thủy sản, hoạt động quản lý tàu cá trên hệ thống giám sát hành trình, thiết bị dò tìm luồng cá, nuôi thủy sản trong nhà bạt, sử dụng quạt nước xục khí tự động, ứng dụng công nghệ quản lý môi trường ao nuôi; góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư. Anh Nguyễn Đình Trí, thôn Đắc Nhơn 3, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) là một trong những hộ triển khai thành công mô hình trồng giống nho mới áp dụng kỹ thuật cho năng suất cao. Anh Trí, chia sẻ: Với 2,5 sào trồng nho NH04-102, áp dụng hệ thống nhà màng và tưới tiết kiệm giúp chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp đến tận gốc cây, cho tỷ lệ đậu trái cao hơn hẳn so với canh tác truyền thống, trung bình mỗi sào đạt từ 2-2,5 tấn.
Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 825,61ha canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC, đạt 82,56% so với mục tiêu năm 2025; diện tích cây trồng được chứng nhận hữu cơ đạt 4.180,8ha và chứng nhận VietGAP đạt hơn 579ha. Có 27 doanh nghiệp sản xuất tôm giống ứng dụng CNC và 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh, trong đó có 12 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, Trang trại Nắng và Gió, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã phát huy tác dụng trong nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn thực hiện liên kết sản xuất, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ dịch vụ đầu vào đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Song song đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT đã thực hiện các chương trình, dự án về ứng dụng tiến bộ KHCN như: Xây dựng mô hình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata); mô hình cải tạo để nâng cao năng suất đàn bò thịt địa phương; mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc chăn nuôi cừu thích ứng với hạn hán, nắng nóng tại khu vực Nam Trung Bộ, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách của tỉnh, sở đã hỗ trợ người dân trồng thử nghiệm giống nho hạ đen (Vitis Vinifera L) và mẫu đơn (Shine Muscat) theo hướng ứng dụng CNC; hỗ trợ vật tư thiết yếu thực hiện cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; trồng bí hạt đậu CNC; san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng tia laser phục vụ xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa... với tổng kinh gần 3,2 tỷ đồng. Qua đánh giá, hiệu quả kinh tế của mô hình tăng từ 17-40% và được nhân rộng tại các địa phương.
Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận: Từ đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất đã góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đặc biệt, qua hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 32,31%/năm, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân xây dựng các mô hình chuỗi liên kết ứng dụng các công nghệ, thiết bị thông minh trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu các đề tài, dự án, lai tạo các giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng phù hợp với điều kiện của tỉnh để chuyển giao đến các địa phương, nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững.
Hồng Lâm