Hai nền kinh tế hàng đầu thúc đẩy hợp tác công nghệ sinh học

Người nông dân Australia (Ô-xtrây-li-a) đã sẵn sàng cho một cuộc đua dành vị trí hàng đầu lĩnh vực sản phẩm hóa dầu dựa trên công nghệ sinh học. Rất nhiều trang trại trồng mía của nước này đang nỗ lực chuyển đổi chất thải (gọi là bã mía) còn sót lại sau quá trình xay mía thành sản phẩm sinh học, có thể kinh doanh được.

Tại quận Burdekin, thủ phủ của ngành công nghiệp đường phía Bắc bang Queensland, một công ty nông nghiệp lớn đang tìm cách xây dựng một nhà máy lọc dầu, từ đó biến bã mía thành các hóa chất như monoethylene và monopropylene glycol, dùng làm nhựa và sợi cũng như tạo ra nhiên liệu hàng không bền vững.

Trong khi đó, tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, công ty đóng gói Yasha Pakka đã thành công trong việc chuyển đổi bã mía thành bộ đồ ăn có thể tự phân hủy, nhằm thay thế nhựa dùng một lần. Mặc dù chưa mang lại lợi nhuận, nhưng Yash Pakka phần nào đã bắt đầu bắt nhịp vào cuộc chạy đua giống như những nhà máy đường của Australia, biến chất thải mía thành các sản phẩm hóa dầu dựa trên công nghệ sinh học.

Mặc dù vụ thu hoạch ở Australia và Ấn Độ tương tự nhau nhưng các điều kiện sản xuất lại rất khác nhau. Australia là một trong số ít quốc gia có mức lương cao và là nhà sản xuất đường lớn. Hoạt động sản xuất của Australia tinh gọn, xuyên suốt các khâu từ trồng trọt đến thu hoạch, vận chuyển, xay xát và xuất khẩu.

Theo Hội đồng xay xát đường Australia, có 4.500 người làm việc trong ngành này, sản xuất ra 4,4 triệu tấn đường thô hàng năm. Hầu hết số đường đó là để xuất khẩu.

Ngược lại, ngành công nghiệp của Ấn Độ được xây dựng dựa trên lao động giá rẻ. Toàn Ấn Độ có khoảng 500.000 người làm việc trong các nhà máy đường, để sản xuất 36 triệu tấn đường, chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa. Chính phủ Ấn Độ trợ cấp cho ngành nông nghiệp sản xuất mía và đường và bảo vệ ngành công nghiệp nội địa then chốt này thông qua thuế quan và hạn chế nhập khẩu.

Ở một khía cạnh nào đó, Ấn Độ và Australia là đối thủ cạnh tranh. Cả hai đều là những nhà sản xuất đường lớn đang tìm cách dẫn đầu trong cuộc đua sản phẩm sinh học.

Nhưng hai nước xuất khẩu sang các thị trường khác nhau do chủ nghĩa bảo hộ của ngành công nghiệp Ấn Độ. Và khả năng khác nhau giữa hai ngành có nghĩa là hai nước cũng đang tìm cách dẫn đầu về những loại sản phẩm sinh học khác nhau.

Ngoài ra còn có rất nhiều tiềm năng cho các lựa chọn thay thế, bao gồm sản phẩm hóa dần chiết xuất từ bã mía. Do đó, thị trường hai nước và cả thế giới phải rất lâu nữa mới rơi vào trạng thái bão hòa và sự cạnh tranh đang ngày càng mở rộng bởi sự tham gia của nhiều quốc gia khác.

Trong bối cảnh đó, việc Ấn Độ và Australia hợp tác phát triển ngành nông nghiệp công nghệ sinh học là điều hợp lý.

Sản xuất hàng hóa sinh học từ mía một cách hiệu quả về mặt kinh tế, cạnh tranh với các sản phẩm hóa dầu giá rẻ, vẫn là một thách thức khó khăn đối với cả hai nước. Hai nước có thể dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu bằng cách hợp tác ngay lập tức trên ba lĩnh vực xay xát và trồng trọt; nghiên cứu cây mía và thiết bị công nghệ để chuyển đổi bã mía thành sản phẩm sinh học.

Ngoài ra, chính phủ hai nước cũng nên xem xét tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, thành lập quỹ sản phẩm sinh học Ấn Độ-Australia. Quỹ này có thể được gắn vào Quỹ nghiên cứu chiến lược Australia-Ấn Độ hiện có để giảm thiểu chi phí thiết lập. Về lâu dài, Australia và Ấn Độ nên bắt đầu hợp tác về công nghệ nông nghiệp, một lĩnh vực chưa được khám phá. Đó là lĩnh vực mà cả hai nước đều có thế mạnh.

Với sự hợp tác tiềm năng có thể khai phá, các khu vực nông nghiệp ở cả hai quốc gia, như Burdekin và Uttar Pradesh, có thể chuyển đổi thành nhà sản xuất chính các sản phẩm hóa dầu dựa trên sinh học.

Điều này cũng sẽ mang lại cho mối quan hệ kinh tế Ấn Độ- Australia và ngành công nghiệp sản phẩm sinh học một cú hích thực sự.