Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức quốc tế tại Việt Nam; tổ chức tôn giáo và đông đảo cán bộ, nhân dân.
Việt Nam triển khai ghép tạng muộn hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á 20 năm, nhưng trong năm 2022 và 2023, mỗi năm Việt Nam ghép hơn 1.000 ca bao gồm ghép thận, gan, tim, phổi… và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Hơn 94% tạng ghép là từ người hiến còn sống, nguồn hiến tạng sau chết/chết não còn rất hạn chế. Hiện nay mới chỉ có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086% dân số. Trong khi tại các nước phát triển có từ 50- 90% nguồn hiến tạng từ người hiến sau chết/chết não.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu phát động Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi". Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trước năm 2023, Việt Nam chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay đã triển khai thực hiện tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện. Tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.
Với mong muốn có nhiều người đăng ký hiến mô tạng hơn, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức Lễ Phát động “Đăng ký hiến mô tạng cứu người”.
Cho biết, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 -10 người khác, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến, mô tạng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tấm gương tiêu biểu.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp. Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người” là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Thủ tướng, đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ người Việt Nam ta xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay - đó chính là những yếu tố làm nên vẻ đẹp của con người Việt Nam, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”.
Thủ tướng cho rằng, truyền thống quý báu đó của dân tộc ta đã ngày càng được phát huy, lan tỏa với biết bao hành động cao đẹp, gương người tốt, việc tốt, từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong thiên tai, địch bệnh, khó khăn, hoạn nạn. Đặc biệt truyền thống quý báu đó còn được minh chứng bằng nghĩa cử cao đẹp hiến mô, tạng cứu người với tinh thần “cho đi là còn mãi” của hàng nghìn người trên khắp mọi miền Tổ quốc trong những năm qua.
Thủ tướng khẳng định, trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: Chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác y tế, đặc biệt là những lĩnh vực mới, sử dụng công nghệ hiện đại như hiến, ghép tạng, có nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật trong công tác này. Từ ca ghép tạng thành công đầu tiên cách đây 30 năm, Việt Nam ngày nay đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, liên tiếp thực hiện nhiều ca ghép đa tạng thời gian qua.
“Đây là điểm sáng, niềm tự hào, minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của các chuyên gia ghép tạng, của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam nói riêng và của ngành Y Việt Nam nói chung”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Nhắc lại phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, những thành tựu quan trọng ghép tạng thời gian qua là minh chứng rõ nét của tình thương và lòng nhân ái.
Đề nghị lấy ngày 19/5 hàng năm – Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Ngày tri ân những người hiến tặng mô, tạng, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ biết ơn những tấm lòng vàng, nghĩa cử cao đẹp của những con người, gia đình với tấm lòng hy sinh cao cả đã tình nguyện hiến mô, tạng - một phần vô giá của cơ thể mình, người thân của mình để “Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng”, mở ra cơ hội sống cho nhiều người khác.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo Bộ Y tế, các thầy thuốc Việt Nam, đặc biệt là những giáo sư, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế trong lĩnh vực ghép tạng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng nghiên cứu, nâng cao trình độ, luôn tận tụy, hết lòng cho sự nghiệp “chữa bệnh, cứu người”, thắp lên hi vọng hồi sinh cho nhiều bệnh nhân và gia đình đang ngày đêm mong mỏi.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những băn khoăn, trăn trở do số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn hiến tạng sau chết/chết não còn rất hạn chế; việc huy động nguồn lực và các cơ chế, chính sách liên quan đến ghép tạng còn hạn chế, bất cập; đội ngũ chuyên gia, y bác sỹ, nhân viên y tế trong lĩnh vực ghép tạng chưa nhiều; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa thực sự đầy đủ, đáp ứng yêu cầu…
Phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc ta, với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần “Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống” vì “cho đi là còn mãi”, một người có thể cứu nhiều người.
Mỗi người hãy tăng cường ý thức tự chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, thường xuyên rèn luyện thân thể để phòng ngừa các loại bệnh tật, có sức khỏe tốt để học tập tốt, lao động tốt, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước. Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội.
Thủ tướng đề nghị, các bộ, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông, lan toả ý nghĩa cao đẹp, vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng; xây dựng kế hoạch, có chỉ tiêu cụ thể tăng số lượng người đăng ký hiến mô, tạng phù hợp. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; cải tiến, hoàn thiện cách thức đăng ký hiến mô, tạng để mọi người dân đủ điều kiện có thể đăng ký thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả để thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực ghép tạng, hiến tạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng lưu ý tránh mọi hành vi thương mại hóa và mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, vì việc hiến tạng là hoàn toàn tự nguyện và không nhằm mục đích thương mại. Do đó phải quán triệt, thực hiện đúng quy định về ghép tạng, hiến tạng; không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi và làm sai quy định.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, phát huy những thành tựu quan trọng đạt được, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, nhận thức sâu sắc, lòng nhân ái, sự sẻ chia của toàn xã hội, công tác ghép tạng và hệ thống hiến mô, tạng ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển. Ngày càng có nhiều người đăng ký hiến mô, tạng, mang lại niềm tin, hy vọng cho những người bệnh, tô thắm tình nghĩa đồng bào ruột thịt, truyền thống “con Lạc cháu Hồng”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của dân tộc; chung tay xây dựng xã hội nhân văn, giàu tình thương và lòng nhân ái, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đăng ký hiến tặng mô, tạng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương, đông đảo đại biểu, các tầng lớp nhân dân đã đăng ký hiến tặng mô, tạng, thể hiện nghĩa cử cao đẹp với tinh thần “cho đi là còn mãi”; nâng tổng số người đăng ký hiến tặng mô, tạng trong dịp này lên 3.812 người.
Nguồn TTXVN/Báo Tin tức