Từ đầu năm 2024 đến nay, Lực lượng Cảnh sát biển đã đấu tranh thành công 72 vụ án, bắt giữ 115 đối tượng, khởi tố 19 vụ/23 đối tượng. Tang vật thu giữ: Hơn 2,1 kg heroin, hơn 100kg ma túy tổng hợp, 21 kg cần sa, hơn 20 kg cocain, 3 khẩu súng, 4 ô tô, 21 xe máy, 78 điện thoại di động và hơn 700 triệu đồng. Thời gian gần đây các đường dây tội phạm ma túy, đặc biệt là trên biển hoạt động với quy mô lớn, địa bàn rộng, liên tỉnh hoặc xuyên quốc gia với sự tham gia của nhiều đối tượng trong nước và nước ngoài, tổ chức hoạt động chặt chẽ. Các đối tượng chủ mưu chủ yếu là người nước ngoài, cấu kết với các đối tượng trong nước sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm qua mặt lực lượng chức năng như: Thường xuyên thay đổi người vận chuyển sau mỗi chuyến hàng; sử dụng tàu, thuyền tới vùng biển giáp ranh vùng biển Việt Nam để giao, nhận ma túy sau đó chở đi tiêu thụ ở nước thứ 3; trà trộn, đóng giả làm ngư dân theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để báo cho đồng bọn... Đặc biệt, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thả phao cứu sinh, bao nổi cất giấu ma túy có gắn định vị GPS,…
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Trước tình hình tội phạm về ma túy đang diễn biến phức tạp trên biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ tăng cường sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, các biện pháp công tác, trong đó lấy biện pháp nghiệp vụ làm mũi nhọn; huy động sức mạnh tổng hợp các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân nhằm quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy trên biển, thể hiện quyết tâm phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy lợi dụng đường biển Việt Nam là nơi trung chuyển trái phép chất ma túy.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thiếu tướng Lê Quang Đạo ghi nhận và biểu dương những kết quả trong công tác trấn áp tội phạm ma túy trên biển của các lực lượng thời gian qua; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của các cấp về đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Trong đó, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng đưa nội dung thu thập thông tin, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trong kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị triển khai lực lượng trinh sát, phương tiện trên các tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy; tập trung trao đổi, chia sẻ thông tin về các đường dây, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy trên biển…
Các cơ quan chức năng Cảnh sát biển nghiên cứu, tham mưu đề xuất các nội dung về hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy trên biển, đồng thời xác định công tác tuyên truyền, phòng ngừa có vai trò quan trọng, là then chốt góp phần “chặn cung” “giảm cầu”, xây dựng, triển khai đa dạng các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng giai đoạn, thời điểm, khu vực, địa bàn và nhóm đối tượng.
Xuân Bính-Đức Định