Gần một tháng nay, nguồn nước từ các con sông, suối dần cạn kiệt, vườn trái cây 1,5ha của ông Nguyễn Văn Chưởng ở thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn không đủ nguồn nước để tưới, hơn 10 gốc sầu riêng đã trồng được một năm nay bị chết khô, ông Chưởng phải đầu tư hơn 20 triệu đồng mua máy bơm, đào ao trữ nước, nỗ lực cứu những gốc sầu riêng đã trồng lâu năm. Ông Nguyễn Văn Chưởng cho biết: Từ trước tới giờ bà con ở đây chủ yếu lấy nước từ các con suối để tưới vườn, nhưng năm nay hạn quá, nước cũng cạn nên bà con thay phiên nhau lấy mà không đủ để tưới. Bây giờ mình phải ưu tiên cứu mấy cây lớn đã trồng lâu năm, chủ yếu cứu cho cây không bị chết khô chớ cũng không cần phải cứu trái. Vườn này ngoài một số cây nhỏ bị chết còn có cây năm trước đã có trái mà nay cũng khô héo luôn.
Ông Nguyễn Văn Chưởng đầu tư máy bơm, đào ao trữ nước tưới vườn trái cây.
Cũng như ông Nguyễn Văn Chưởng, vườn trái cây của ông Nguyễn Tuấn Kiệt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước tưới. Theo ông Kiệt, hiện nay, một số hộ dân có vườn trái cây nằm ở vùng trũng, vùng đất bằng còn có thể tận dụng nguồn nước còn lại từ đầu nguồn để tưới, còn những hộ có vườn trái cây nằm trên đồi, trên sườn dốc như của ông thì rất khó để bơm nước lên. Riêng vườn của ông Kiệt cũng bị chết gần 20 gốc sầu riêng. Ông Nguyễn Duy Khả, Trưởng Ban quản lý thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn cho biết: Trong thôn có khoảng 50ha cây ăn trái bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới. Những hộ dân may mắn có vườn nằm ở vùng đất thấp còn có thể tận dụng được nguồn nước còn lại từ các con suối nhưng phải đầu tư rất tốn kém để kéo ống dẫn nước. Riêng gia đình ông Khả cũng tốn hơn 50 triệu đồng để kéo đường ống dài gần 2.000m về tưới cho 70 gốc sầu riêng, trong đó có 45 gốc đang ra trái.
Xã Lâm Sơn có gần 300ha cây ăn trái các loại, trong đó có khoảng 100ha ở các thôn Lâm Hòa, Lâm Bình và Lâm Phú bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa hạn do chủ yếu lấy nguồn nước tưới tự nhiên. Người dân ở đây cho biết, nếu những ngày tới không có mưa, nguy cơ diện tích cây trồng bị chết héo, rụng trái sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn. Ông Thái Quang Mận, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: Trước tình hình nắng hạn hiện nay, người dân cũng có kiến nghị Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận- Đa Mi mở van thủy nông xả nguồn nước để cứu vườn. Tuy nhiên, vừa qua, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận- Đa Mi cũng đã có văn bản trả lời về vấn đề này là không thể mở van xả này do đây là hệ thống van xả đáy tại hầm 3, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Van này có chức năng tháo cạn nước đáy hầm sau khi đã dừng hoàn toàn và rút cạn nước trong hầm phục vụ công tác kiểm tra, bảo dưỡng đường hầm; trong điều kiện đường hầm đang vận hành cấp nước cho các tổ máy Nhà máy thủy điện Đa Nhim để phát điện thì van xả hầm phải luôn đóng kín để đảm bảo an toàn, ổn định cho hệ thống công trình và thiết bị của nhà máy. Hiện nay, chúng tôi cũng có kế hoạch khảo sát để trình các cấp hỗ trợ kinh phí cho người dân ở khu vực bị thiệt hại đào ao, kéo ống dẫn nước tưới về tận vườn, nỗ lực cứu cây trồng trước khi mùa mưa đến. Đối với những khu vực ít bị ảnh hưởng, địa phương cũng vận động bà con chăm sóc vườn, đảm bảo nguồn trái cây phục vụ du khách trong vụ mùa trái cây năm nay.
Vĩnh Phát