Theo báo cáo của đoàn công tác EVN, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có tổng công suất các nguồn điện là 3.290MW, gồm: 38,5MW nguồn thuỷ điện (04 nhà máy), 622MW điện gió (12 nhà máy), 2.309MW điện mặt trời (35 nhà máy) và 320MW ĐMT mái nhà. Trong đó, có 05 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 460MW được đưa vào vận hành theo cơ chế giá điện chuyển tiếp.
Về lưới điện phân phối có 05 trạm biến áp (TBA) 110kV với tổng công suất 331MVA, mức mang tải trung bình các đường dây (ĐD) 110kV trên địa bàn tỉnh là 60-80%.
Toàn cảnh lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tiếp và làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình hình cung ứng điện.
Sản lượng điện thương phẩm tỉnh Ninh Thuận tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 7,85%/năm, giai đoạn 2021-2023 là 9,6%/năm. Năm 2023, điện thương phẩm đạt 0,88 tỷ kWh, tăng 10,79% so với năm 2022. Thực hiện 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh luỹ kế đạt 293,954 triệu kWh, tăng 18,26% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thành phần Quản lý, tiêu dùng dân cư chiếm tỷ trọng 43,59% và tăng 18,71% so với cùng kỳ năm 2023.
Các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đầu tư theo Quy hoạch để cấp điện cho phụ tải cũng như nâng cao năng lực và tạo mạch vòng lưới điện 110kV phục vụ đấu nối các nguồn điện trên địa bàn tỉnh. Các công trình đã hoàn thành giai đoạn 2016-2023 là 04 dự án công trình đường dây 110kV và 07 công trình TBA 110kV với tổng quy mô tăng thêm 8,0 km đường dây với 151 MVA. Các công trình đang thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 06 dự án với 40 MVA MBA và ~95km đường dây 110kV.
Các công trình lưới điện trung áp 22kV đã hoàn thành giai đoạn 2016-2023 là 124 dự án với tổng quy mô tăng thêm 460 km đường dây và 53,3 MVA, tổng mức đầu tư là 613,678 tỷ đồng. Các công trình đang thực hiện giai đoạn 2024-2025 là 19 danh mục với tổng quy mô tăng thêm 36 km đường dây và 6,3 MVA, tổng mức đầu tư là 295 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN kiến nghị: Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên trong công tác ĐTXD các công trình điện theo quy hoạch, công tác đảm bảo cung cấp điện, giải phóng mặt bằng, ĐTXD các dự án nguồn và lưới điện còn gặp khó khăn vướng mắc; hỗ trợ ngành điện tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công sở sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023, góp phần đảm bảo cung ứng điện trong các tháng cao điểm nắng nóng năm 2024.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cảm ơn EVN và các đơn vị trực thuộc thời gian qua đảm bảo cung cấp điện và nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện để giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp tỉnh tăng thu ngân sách. Các công trình do ngành Điện đầu tư trên địa bàn Ninh Thuận có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở ngành, địa phương liên quan cần tích cực phối hợp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đồng thời mong muốn EVN và các đơn vị tiếp tục quan tâm, dành nguồn kinh phí đầu tư hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Nguyễn Quốc Đức