(NTO) Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Nga, phường Thanh Sơn luôn trong tâm trạng băn khoăn không biết nên chọn trường nào cho đứa con trai 2 tuổi rưỡi của mình. Chị Nga tâm sự: "Cả thành phố mà chỉ có 2 trường mầm non công lập chịu nhận trẻ dưới 3 tuổi. Tháng 6 vừa rồi, tôi đến Trường Mầm non 16 Tháng 4 xin cho cháu vào học, nhưng vì phụ huynh đông quá, không chen chân vào lấy phiếu xin học cho con được, tôi đành phải dẫn cháu trở về. Mà gửi cháu vào các cơ sở tư thục thì tôi lại không yên tâm”. Theo số liệu của Phòng Giáo dục-Đào tạo Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, hiện thành phố có 83 trường, lớp, nhóm trẻ mầm non, trong đó có 15 trường công lập, 11 trường tư thục, 21 lớp mầm non và 36 nhóm trẻ tư thục. Năm học 2010-2011, có 3.036 trẻ học tại các trường công lập với tổng số 106 lớp, tăng 110 cháu so với năm học 2009-2010; các cơ sở tư thục có 3.898 trẻ/143 lớp, tăng 515 trẻ và 12 lớp. Như vậy, số lượng trường công lập hiện nay mới chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu thực tế. Mặc dù chưa chính thức đến ngày khai giảng, nhưng qua tìm hiểu, hiện nay, nhiều trường công lập và một số trường mầm non tư thục “có tiếng” trên địa bàn thành phố đã “khóa sổ” nhận trẻ, thậm chí số lượng trẻ trong một lớp còn vượt quá mức quy định.
Giờ học của các cháu Trường Mầm non tư thục Bình Minh.
Số trường mầm non công lập quá ít, trong khi đó, chất lượng các cơ sở tư thục lại còn nhiều hạn chế nên các bậc phụ huynh đều có tâm trạng lo lắng khi gửi con đến các cơ sở này. Trong vai một phụ huynh đến xin học cho con tại cơ sở mầm non tư thục H.M trên đường Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi thật sự ái ngại khi chứng kiến có gần 70 trẻ vừa sinh hoạt, chạy nhảy trong căn phòng với diện tích chưa đầy 100m2, gồm cả nhà bếp, nhà vệ sinh… và còn cả một số thiết bị vui chơi như cầu trượt, ghế xoay…. Tuy nhiên, khi hỏi cơ sở có còn nhận trẻ, tôi được một cô giáo trả lời vẫn tiếp tục nhận trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào, miễn là cháu đã được cai sữa mẹ. Học phí khoảng 550.000 đồng/tháng gồm tiền ăn trưa và ăn giữa buổi. Nếu gửi theo ngày thì 20.000 đồng/ngày. Khi tôi yêu cầu được vào tham quan nhà bếp và nhà vệ sinh, thì cô giáo này lắc đầu từ chối! Không chỉ riêng cơ sở mầm non H.M, mà các cơ sở mầm non khác chúng tôi ghé thăm, điều kiện cơ sở vật chất, lớp học đều không khả quan hơn bao nhiêu.
Một khó khăn đối với giáo dục bậc học mầm non chính là thiếu đội ngũ giáo viên. Ông Nguyễn Kinh Dinh, Phó Phòng Giáo dục- Đào tạo Tp.Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: “Mặc dù số lượng trẻ nhập học ở các trường mầm non tăng đều hàng năm, tuy nhiên 3 năm nay thành phố lại không được bổ sung thêm số giáo viên biên chế cho các trường công. Để bảo đảm chất lượng nuôi dạy trẻ, các trường phải bỏ chi phí để hợp đồng thêm giáo viên, nhân viên. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các trường”. Còn đối với các cơ sở tư thục, theo thống kê, hiện có gần 50% giáo viên chưa đạt chuẩn. Nhiều giáo viên, nhân viên thậm chí chưa được đào tạo qua bất cứ trường, lớp chuyên môn nào.
Đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục mầm non
Những năm qua, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục bậc học mầm non thông qua nhiều hình thức như kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực. Năm học mới 2011-2012, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 2 trường mầm non tư thục mới được thành lập: Trường Mẫu giáo Hoàng Mai (phường Phước Mỹ) và Trường Mẫu giáo Măng Non Mỹ Hải (phường Mỹ Hải), đón nhận khoảng 200 trẻ vào học tập. Đây là tín hiệu vui. Tuy nhiên trên thực tế công tác xã hội hóa giáo dục mầm non ở thành phố cũng gặp nhiều khó khăn. Trường Mầm non tư thục Bình Minh, ở phường Đô Vinh là một trong những trường được đánh giá có chất lượng. Nhà trường được xây dựng từ năm 2002, với chi phí ban đầu gần 1 tỷ đồng, có đủ nơi học tập, ăn uống và vui chơi cho trẻ; đội ngũ giáo viên đều được đào tạo qua trường lớp chuyên môn. Ông Bùi Đăng Oánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức xây dựng trường mầm non, nhưng do việc thu hồi vốn chậm; trong quá trình hoạt động lại phải ràng buộc nhiều quy định nghiêm ngặt về giáo dục, chăm sóc trẻ… nên ít cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực này". Các trường tư thục được đầu tư bài bản như Trường Mầm non Bình Minh không nhiều. Thực tế cho thấy, các cơ sở mầm non hiện nay chủ yếu được tận dụng nhà ở hoặc thuê mặt bằng để mở các lớp, nhóm trẻ. Vì vậy, hầu hết cơ sở vật chất, nhân lực… đều không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ.
Trước thực trạng trên, tỉnh nói chung và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm nói riêng, cần có thêm những chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này; ngành chức năng cần làm tốt công tác thanh, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế trong quá trình hoạt động có như vậy mới nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non. Đối với các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ các thông tin về nơi mình đưa con em đến học tập; trong quá trình học tập cần theo dõi sự phát triển về cả thể chất, tinh thần của con em mình, đồng thời có sự giám sát hoạt động chăm sóc trẻ ở tại nơi mình gửi con để phản ảnh kịp thời những sai sót. Chính điều này góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục tỉnh nhà, chung tay nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non.
Uyên Thu