20 “điểm nóng” bảo tồn biển, hồ của thế giới

Các nhà khoa học đã xác định được 20 khu vực biển và hồ quan trọng nhất trên thế giới, nhằm bảo vệ sự sống còn của những động vật có vú sống tại các nơi này.

Tờ Guardian (Anh) dẫn lời nhà sinh thái học Sandra Pompa thuộc ĐH Tự trị quốc gia Mexico và là trưởng nhóm nghiên cứu cảnh báo: “Viễn cảnh hệ sinh thái biển trên thế giới đang xấu đi nhanh chóng, nguyên nhân chủ yếu là do suy thoái môi trường sống, các loài ngoại lai xâm lấn và việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Bà Pompa cho hay, đã có nhiều loài động vật có vú ở biển suy giảm số lượng nghiêm trọng, nhiều loài trong số này như loài hải cẩu thầy tu Caribe, cá voi xám Đại Tây Dương hay bò biển Steller đã tuyệt chủng trong thế kỷ 20 chỉ vì lông, mỡ và thịt của chúng có tính thương mại cao.

Một con cá heo Vaquita đã chết tại Vịnh Baja California, Mexico. (Ảnh: Reuters)

Các nhà nghiên cứu đã xác định được 20 khu vực biển và hồ quan trọng trên thế giới – nơi sinh sống của 129 loài động vật có vú (123 loài động vật có vú biển và 6 loài động vật có vú nước ngọt) dựa trên phạm vi địa lý của chúng. Họ tạo một bản đồ địa lý cho tất cả 129 loài này và thiết lập cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý của chúng trong phạm vi 1 ô lưới tương đương 10.000km2.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), có tới 9 trong số 20 khu vực trên là “ngôi nhà” của 84% các loài động vật có vú ở biển và 11 khu bảo tồn còn lại là “không thể thay thế” – nơi các loài không được tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Có 9 khu bảo tồn biển chính – nơi ẩn náu của 108 loài – bao gồm vùng biển Baja California (Mexico), đông bắc Mỹ, Peru, Argentina, tây bắc châu Phi, Nam Phi, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Còn lại là 11 khu bảo tồn biển nhỏ hơn – nơi sinh sống của các loài đặc hữu – bao gồm các vùng biển xung quanh các quần đảo Hawaii (Mỹ), Kerguelen (Pháp), Galapagos (Ecuador), San Félix (Chile) và Juan Fernández (Chile), hồ Baikal (Serbia), biển Caspi (hồ kín), Địa Trung Hải và các con sông lớn như Amazon, sông Hằng và Dương Tử.

Hải cẩu Baikal đang lâm nguy. (Ảnh: Arkive)

Phân tích của họ cũng cho thấy, 20 "điểm nóng" trên đang phải chịu áp lực từ những tác động của con người như thay đổi khí hậu, ô nhiễm đại dương và giao thông đường thủy, dẫn tới các loài động vật có vú ở biển có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn như loài cá heo Vaquita (Phocoena sinus) – có chiều dài cơ thể khoảng 1,5m, được cho là loài cá heo nhỏ nhất thế giới sống ở vịnh Baja California, Mexico – chỉ còn khoảng 250 cá thể trưởng thành.

“Hải cẩu Baikal (Pusa sibirica) cũng là loài có số lượng còn rất ít. Bạn có thể nghĩ cá heo Vaquita may mắn thoát khỏi vùng vịnh Baja California tới sống một nơi nào khác nhưng hải cẩu Baikal thì không thể. Nếu bất kỳ nguyên nhân nào phá vỡ sinh thái hồ Baikal hay chẳng may loài này bị bệnh tật thì chúng sẽ bị diệt vong”, bà Pompa nhấn mạnh.

Nguồn khoahoc.com.vn