Trái đất từng có hai Mặt trăng

Các nhà khoa học tin rằng phía tối của Mặt trăng được tạo ra sau khi Mặt trăng va chạm với một Mặt trăng khác nhỏ hơn.

 

Hai phía của Mặt trăng có địa hình hoàn toàn khác nhau. Ảnh: Telegraph

Các nhà thiên văn học tin rằng, Trái đất từng có hai Mặt trăng quay quanh quỹ đạo của nó, nhưng một Mặt trăng nhỏ hơn đã bị hút vào Mặt trăng còn lại khi chúng va chạm với nhau trong không gian cách đây khoảng 4,4 tỷ năm.

Giả thuyết này giúp giải thích tại sao sao phía tối của Mặt trăng ngày nay có địa hình đồi núi không bằng phẳng và nghèo khoáng chất, trong khi phía sáng của nó bằng phẳng và rất giàu khoáng chất như kali và phốt pho.

Báo Telegraph dẫn lời tiến sĩ Martin Jutzi thuộc trường Đại học Bern (Thụy Sĩ) và là người đứng đầu nghiên cứu cho hay, dường như cả hai Mặt trăng được tạo ra cùng một thời điểm, khi một thiên thể có kích cỡ bằng sao Hỏa va chạm với Trái đất.

Mô hình trên máy vi tính đưa ra giả thuyết rằng, khoảng 50 triệu năm sau khi hình thành, Mặt trăng nhỏ hơn đã va chạm và sát nhập với Mặt trăng hiện tại của chúng ta. Vì vụ va chạm xảy ra ở tốc độ chậm, nên Mặt trăng nhỏ đã bị vỡ ra và bị hút vào phía tối của Mặt trăng lớn, tạo ra địa hình đồi núi, thay vì những miệng hố lớn như các vụ va chạm khác giữa hai thiên thể trong vũ trụ.

Năm ngoái, giáo sư Francis Nimmo thuộc trường Đại học California (Mỹ) đã đưa ra một giả thuyết khác rằng, thủy triều trên Trái đất là nguyên nhân hình thành địa hình đồi núi ở bán cầu xa của Mặt trăng.

Nguồn VietNamNet