(NTO) Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh ta còn có hàng chục khách sạn, nhà nghỉ và nhà trọ hoạt động thường xuyên, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến lưu trú, nhất là vào các ngày cuối tuần và lễ tết. Anh Nguyễn Trần Vượng, Trưởng phòng Phòng quản lý Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: “Lượng khách đến với tỉnh ta trong những năm qua chủ yếu nhờ vào các hãng lữ hành lớn từ Nam Bộ và Đông Nam Bộ như: Hoa Hạ, Hana Tour, Thanh Thanh, Rồng Đông Dương, Việt Á Âu, Fidi Tour... Đây là những tour lữ hành quen thuộc đã ký hợp đồng hàng năm để đưa khách về Ninh Thuận. Ngoài lượng khách nói trên, còn có một lượng khác như khách đi công tác để dự hội thảo, hội nghị các ngành; khách lẻ từ các tỉnh lân cận như học sinh, sinh viên và các gia đình nhân dịp hè đưa con em mình về miền biển để nghỉ dưỡng. Chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm, có 450.000 lượt khách trong và ngoài nước đến với tỉnh ta (trong đó khách quốc tế có 35.000 lượt), tăng 25% so với cùng kỳ.
Tuy lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh ta ngày càng có xu hướng tăng, nhưng điều đáng nói là hệ thống cơ sở lưu trú đạt chuẩn còn quá ít, khiến một số nhà trọ, nhà nghỉ nhỏ do hộ tư nhân quản lý luôn tăng giá trong những ngày cao điểm. Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tính đến đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh ta có 56 cơ sở lưu trú các loại, với 1.437 buồng; trong đó có 18 khách sạn với 592 buồng, 6 khu du lịch với 531 buồng và 25 nhà nghỉ, 7 nhà khách, với 314 buồng. Trong số này mới chỉ có 20 khách sạn, nhà nghỉ và khu du lịch đã được xếp hạng đạt tiêu chuẩn từ tối thiểu đến 4 sao, gần 40 cơ sở còn lại đều chưa được xếp hạng.
Vào vai người đi thuê phòng nghỉ, chúng tôi đến một số cơ sở lưu trú như: BM trên đường Yên Ninh, TH trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm... Qua khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy, còn rất nhiều nhà trọ, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh ta chưa đảm bảo tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch. Cơ sở vật chất của nhiều phòng nghỉ, phòng trọ còn rất thiếu, có nơi chỉ kê một cái giường, chiếc quạt điện cũ, còn công trình phụ không đảm bảo vệ sinh... Không chỉ thế, đội ngũ nhân viên phục vụ tại các nhà nghỉ, nhà trọ này cũng ít được tập huấn chuyên môn như các quy định về lưu trú du lịch, công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Chị N.T.L nhân viên một nhà nghỉ trên đường Yên Ninh cho biết: “Tất cả các nhân viên phục vụ ở đây rất ít khi được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ. Nếu có được tập huấn thì cũng chỉ ngắn hạn trong vài ngày cốt là để giúp họ biết cách tiếp khách, thái độ phục vụ khách để không làm mất uy tín của cơ sở”. Thực tế này tồn tại nhiều năm nay, nhưng các ngành chức năng của địa phương lâu lâu mới tiến hành một đợt kiểm tra nên không thể xử lý hết những sai phạm của các cơ sở lưu trú.
Theo quy định hiện nay, các hộ cá thể kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ đều do cấp huyện, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và trực tiếp quản lý, còn các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn thì do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Thế nhưng, việc phối hợp trong công tác quản lý giữa các ngành chức năng ở địa phương vẫn chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến tình trạng nói trên. Một thực trạng đáng quan tâm nữa đó là có một số hộ kinh doanh nhà nghỉ, nhà trọ và khách sạn nhỏ trên địa bàn hiện vẫn còn tình trạng lách thuế theo kiểu: khách lẻ một vài người khi đến ở nếu không có nhu cầu lấy hóa đơn thì họ cũng không xuất mà chỉ dùng hóa đơn bán hàng thông thường nên không có thuế giá trị gia tăng. Một số cơ sở thì dù có sử dụng hóa đơn đỏ nhưng do tự kê khai nộp thuế nên ngành thuế cũng không biết được doanh thu thực của họ để tính thuế. Vì vậy, ngoài việc Nhà nước bị thất thu thuế, đây còn là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với các cơ sở lưu trú đã được xếp hạng. Chính điều này đã dẫn đến một thực trạng hiện vẫn tồn tại đó là một số cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, nhà trọ mặc dù đã đạt chuẩn để xếp hạng nhưng vẫn không chịu đăng ký xếp hạng, vì theo lý giải của họ nếu khi được xếp hạng rồi thì sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn.
Trước thực tế đã nêu, rất mong các ngành chức năng liên quan cần có những giải pháp phù hợp để việc phát triển du lịch ở tỉnh ta ngày càng đi vào chuyên nghiệp hơn. Trước mắt là phải làm sao giúp các hộ kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ phân biệt được giữa nhà trọ cho khách du lịch và nhà trọ thông thường cho thuê theo tháng, để trong kinh doanh họ đầu tư các trang thiết bị, tiện nghi đạt tiêu chuẩn tối thiểu như phải bảo đảm an toàn vệ sinh, phòng chống cháy nổ... Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch đối với các cơ sở lưu trú là phòng trọ, nhà nghỉ, có như vậy công tác quản lý dịch vụ này sẽ được hiệu quả hơn.
Văn Thanh