Các nữ công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM kiếm thêm thu nhập
bằng nghề bán thú nhồi bông. Thu nhập quá thấp khiến nhiều công nhân phải bươn chải
làm thêm ở ngoài - Ảnh: Đình Dân
Mức lương khung mang tính pháp lý này sẽ được các doanh nghiệp tham khảo như mức lương sàn để điều chỉnh lương nhưng nhiều doanh nghiệp đã biến mức lương này thành lương cố định để trả công cho người lao động. Vì thế mức điều chỉnh tăng là bao nhiêu thu hút sự quan tâm của người lao động và cả chủ doanh nghiệp.
Gọi là nín thở bởi quyết định đó sẽ giúp người lao động đỡ vất vả hơn hay họ lại tiếp tục vật lộn với đồng lương thiếu thốn, nhất là trong tình hình giá cả tăng cao. Làm sao họ có thể sống nổi với mức lương tối thiểu 830.000-1,35 triệu đồng (tùy theo vùng - dành cho doanh nghiệp tư nhân trong nước) và từ 1,1-1,55 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn nước ngoài)?
Trong kiến nghị ngày 18-7-2011 gửi ban giám đốc Công ty Dae Yun đề nghị xem xét tăng lương 300.000 đồng/tháng cho công nhân, công đoàn công ty có kê khai những chi phí của người lao động trong tháng 7-2011 chỉ riêng nhà trọ và nuôi con là 1,6 triệu đồng, tăng 40% so với tháng 6. Với mức lương tối thiểu hiện tại mà nhiều công ty đang trả cho người lao động thì họ lấy gì nuôi sống bản thân mình để có sức mà nuôi con?
Trong tình hình xảy ra nhiều tranh chấp lao động cũng chỉ vì những bản kiến nghị tương tự không được chủ sử dụng lao động đáp ứng, việc quyết định điều chỉnh lương tối thiểu sớm hơn thường lệ cho thấy sự nhạy bén tình hình của Chính phủ. Tuy nhiên, mức đề xuất tăng lương tối thiểu lên 1,4 triệu đồng (vùng 4) và 1,9 triệu đồng (vùng 1) của Bộ LĐ-TB&XH vẫn không đáp ứng được thực tế. Vì vậy Tổng liên đoàn Lao động đã đề xuất một mức cao hơn: từ 1,6-2,2 triệu đồng (tùy theo vùng).
Từ khoảng chênh giữa hai mức này, tranh cãi đã nổ ra. Người thì cho rằng mức của bộ đưa ra là quá lạc hậu và mức của tổng liên đoàn (tuy còn thấp) có thể chấp nhận được. Người khác thì nói tăng bao nhiêu cũng phải chú ý đến khả năng chi trả của chủ doanh nghiệp. Từ đó, Bộ LĐ-TB&XH phải trưng cầu ý kiến của các địa phương trước khi quyết định. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có câu trả lời mà người lao động cảm thấy thất vọng: đề nghị lãnh đạo TP ủng hộ mức lương tối thiểu (cho vùng cao nhất) là 1,9 triệu đồng.
Người công nhân không đòi hỏi quá đáng, lúc này họ chỉ yêu cầu một mức lương hợp lý đủ nuôi sống và tái tạo sức lao động của họ. Bù lại, như trong bản kiến nghị của công nhân Dae Yun, họ cho biết sẽ lấy hết sức mình ra để lao động đóng góp vào sự phát triển đó. Nuôi sống họ để giành lấy thêm phần “hết sức mình” hay để họ vật lộn với khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất lao động là bài toán thiệt hơn cần suy tính của những ông chủ.
Nhưng cũng không thể trông chờ vào người kinh doanh. Ở đây cần có sự điều chỉnh, điều tiết của Nhà nước. Đó là không thể mãi lấy nhân công giá rẻ như một lợi thế để thu hút đầu tư. Gần đây, Chính phủ đã phát đi thông điệp sẽ chuyển từ tăng trưởng kinh tế theo số lượng sang chất lượng, bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc... Tư duy mới đó cần sớm và từng bước được tiếp cận và thể hiện ngay trong việc xây dựng mức lương tối thiểu mới theo hướng đảm bảo cho người lao động sống được, hoặc sống tốt.
Với mức lương này sẽ đòi hỏi cả người lao động và chủ sử dụng lao động phải “lột xác”. Người lao động phải nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Tương tự, chỉ có những doanh nghiệp bài bản, đầu tư lâu dài, tìm kiếm lợi nhuận không phải từ chi phí lao động giá rẻ mới có thể đáp ứng.
Có nhiều những doanh nghiệp như thế, kinh tế sẽ tăng trưởng bền vững hơn. Còn những doanh nghiệp chỉ biết kiếm lợi từ lao động giá rẻ, đầu tư ngắn hạn sẽ không thể tồn tại. Chỉ có giải bài toán lương tối thiểu theo hướng này mới dần mang lại cho người lao động một mức lương đủ sống.
Nguồn Tuổi trẻ