(NTO) Theo đó, với các vi phạm quy định về bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa; Nghị định quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi đổ rác hoặc rơm rạ xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; buộc súc vật và báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ đường.
Đối với hành vi làm sạt lở kè, đập giao thông; tháo dỡ cấu kiện hoặc lấy đất, đá của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng không đúng quy định theo giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền; đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi hoặc các chất phế thải khác không đúng quy định xuống luồng trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Đáng chú ý, các hành vi cố ý tạo chướng ngại trên luồng; sử dụng chất nổ làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hoặc công trình khác trên đường thủy nội địa có thể bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định này, phương tiện thủy có kẻ, gắn số đăng ký không đúng quy định, bì mờ hoặc bị che khuất bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng. Thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó không mang theo bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng…
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2011 và thay thế Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/01/2005; bãi bỏ Điều 1 Nghị định số 156/2007/NĐ-CP ngày 19/10/2007.
T.S