Sau ngày tái lập tỉnh (4/1992), nhất là khi mới tái lập và đi vào hoạt động (10/2005), huyện Thuận Bắc gặp nhiểu khó khăn. Là huyện có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70% dân số, đất sản xuất chỉ chiếm 26,5% trong tổng diện tích tự nhiên. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, các ngành công nghiệp, dịch vụ - thương mại chưa phát triển là những thách thức lớn cho công cuộc đổi mới và phát triển của địa phương. Đứng trước bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Bắc đã sớm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, đề ra mục tiêu phấn đấu theo từng giai đoạn; tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tạo sự bứt phá, vươn lên về mọi mặt.
Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: V.Miên
Điểm sáng dễ nhận thấy ở Thuận Bắc, nếu như trước đây sản xuất chỉ dừng lại ở việc độc canh cây lúa, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thì nay với tinh thần chủ động, sáng tạo trong từng giải pháp, định hướng đúng đắn đã đưa sản xuất nông nghiệp ở địa phương ngày càng phát triển. Từ trung tâm hành chính huyện, chúng tôi ngược lên xã Phước Kháng, trước mắt là khung cảnh những cánh đồng bắp, lúa xanh tươi hiện ra, tạo nên phong cảnh làng quê tươi mới. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Do đặc thù xã miền núi, đất đai cằn cỗi nên việc canh tác của người dân không thuận lợi. Nhận diện khó khăn trên, cấp ủy, chính quyền xã đưa ra các giải pháp tháo gỡ, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để tăng thu nhập. Đặc biệt, cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bà con hăng hái thi đua lao động sản xuất, từ chỗ canh tác nhỏ lẻ, mang tính “tự cung, tự cấp” thì nay đã hình thành nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3-4%.
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính của nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Ảnh: H.Lâm
Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư, huyện tập trung triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế, thông qua đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung với một số cây trồng chủ lực như lúa, nha đam, măng tây xanh, điều bắp, mãng cầu... phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Chăn nuôi cũng có bước phát triển nhanh theo hướng nâng cao chất lượng đàn, hình thành trang trại, gia trại, mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng cả 3 mặt: Diện tích, năng suất và chất lượng; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 16%, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác vùng chủ động nước được nâng cao từ 21 triệu đồng/ha năm 2005 lên trên 97 triệu đồng/ha hiện nay.
Từ một huyện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, Thuận Bắc hôm nay đang trở thành vùng trọng điểm về năng lượng tái tạo của tỉnh. Vận dụng sáng tạo các chính sách của trung ương, của tỉnh, huyện đã tập trung làm tốt công tác điều hành, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; nhờ đó, ngày càng có nhiều dự án đi vào hoạt động. Tính đến nay trên địa bàn huyện có 10 dự án điện gió và điện mặt trời, với tổng công suất 913,225MW; trong đó, có 6 dự án đi vào vận hành thương mại, với sản lượng điện hằng năm khoảng 2.540 triệu kWh, doanh thu trên 4.500 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, một số sản phẩm công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất; hạ tầng Khu công nghiệp Du Long bước đầu đã thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh như: Nhà máy sản xuất thú nhồi bông quy mô thiết kế 6 triệu sản phẩm/năm và có 3 dự án mới đang triển khai, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Khu công nghiệp Du Long. Ảnh: V.M
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, từ việc nắm bắt tốt cơ hội, tận dụng các lợi thế về điều kiện tự nhiên đã tạo chuyển biến mới trong hoạt động du lịch (DL). Huyện tích cực phối hợp cùng với sở, ngành của tỉnh kêu gọi các thành phần kinh tế đến tìm hiểu và đầu tư hình thành với các dự án DL có quy mô lớn. Tiêu biểu như Khu DL Bình Tiên, Khu DL sinh thái cộng đồng Núi Chúa Village và 2 cơ sở lưu trú; thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá đã thu hút một lượng không nhỏ khách DL. Cùng với đó, các hoạt động thương mại - dịch vụ có chuyển biến, các loại hình kinh doanh dịch vụ mới không ngừng phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương.
Nhìn một cách toàn diện, Thuận Bắc hôm nay đã thay đổi khá nhiều, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương đầu tư xây đường giao thông từ xã đến thôn đều được bê tông, nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa các vùng miền; điện lưới quốc gia phủ kín 100% các thôn. Công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục được nâng cao; hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, thúc đẩy đời sống nâng lên.
Hồ Bà Râu. Ảnh: V.M
Kết quả đạt được trong thời gian qua là bài học kinh nghiệm thực tiễn quý giá đã và đang khích lệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện vững bước tiến lên. Đồng chí Vũ Ngọc Đương, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc, cho biết: Nhằm thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích gắn với thích ứng biến đổi khí hậu; tận dụng lợi thế về địa hình, địa vật để phát triển du lịch. Triển khai hiệu quả các biện pháp thu hút, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đến đầu tư trên địa bàn huyện; cùng với đó, chăm lo đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho nhân dân.
Hồng Lâm