Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ cũng đã phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam và quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội đến năm 2020. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần thống nhất đầu mối, tranh thủ hiệu quả nguồn hỗ trợ, hợp tác quốc tế và các chuyên gia tư vấn, trong đó chú trọng thu hút các chuyên gia có trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ GD-ĐT được yêu cầu phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, làm rõ cơ cấu nhân lực phục vụ các nhà máy điện hạt nhân (số lượng, trình độ, chuyên ngành, hình thức đào tạo, nhu cầu thời gian sử dụng), trên cơ sở đó lập kế hoạch, chương trình đào tạo lượng cán bộ có trình độ đại học, sau đại học, ưu tiên sớm cử đi đào tạo ở nước ngoài (đặc biệt đối với chuyên ngành hạt nhân). Đồng thời rà soát, có kế hoạch từng bước tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo để tiến tới tổ chức đào tạo trong nước vào những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, làm rõ nhu cầu, hình thức và địa chỉ đào tạo lực lượng kỹ thuật viên làm việc cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan lập kế hoạch xây dựng, nâng cấp cơ sở, chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật cho xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9-2011.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bao gồm cả chính sách thu hút đối với các chuyên gia có trình độ cao, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 12-2011.
Nguồn Báo SGGP