CHÀO MỪNG LIÊN HOAN LÀNG BIỂN VIỆT NAM 2011 TẠI NINH THUẬN

Ninh Thuận Điểm đến du lịch biển Việt Nam

Cũng như các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, dù có những đặc thù để phát triển chăn nuôi và trồng trọt, nhưng Ninh Thuận là tỉnh khó có thể làm giàu bằng nông nghiệp bởi đồng bằng nhỏ hẹp, khí hậu khô nóng, nhiều nắng, ít mưa. Mùa khô thì khô hạn, mùa mưa thì lũ quét.

(NTO) Các nhà kinh tế đều cho rằng những địa phương có biển là có tiềm năng phát triển, bởi vì thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, của sự phát triển kinh tế biển. Chính vì vậy, chiến lược phát triển kinh tế, bên cạnh chiến lược xây dựng một trung tâm năng lượng quốc gia, Ninh Thuận đang hướng tới phát triển kinh tế biển, trong đó du lịch biển chiếm giữ một vị trí quan trọng. Tuy là một tỉnh có bờ biển đẹp, có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch, nhưng so với các tỉnh trong khu vực, du lịch Ninh Thuận mới chỉ bắt đầu khởi động.

Khách du lịch tham quan vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) trên tàu đáy kính.
Ảnh: Văn Miên

Là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển, bờ biển Ninh Thuận dài trên 105km từ Bình Tiên đến Cà Ná, có nhiều vũng, vịnh đẹp nổi tiếng như Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chử, Mũi Dinh, Cà Nà, nhiều bãi tắm đẹp như bãi Hõm, bãi Thùng, bãi Chà Là, bãi Ba Điên với cát trắng, nắng vàng, biển biếc, có rạn san hô đẹp mê hồn. Ở bờ biển phía bắc tỉnh, ít nơi nào trên thế giới có Vườn Quốc gia Núi Chúa hùng vĩ với độ cao trên 1.100 m nằm sát ngay bờ biển. Đây là Vườn Quốc gia được mệnh danh là rừng châu Phi ở Đông Nam Á với diện tích gần 30.000ha (phần đất liền khoảng 22.500ha và phần biển khoảng 7.500 ha). Ở đây có trên 100 loài hoa lan, hàng trăm loài chim quý hiếm, trong đó có loài cỏ thía, có các loài động vật quý hiếm như gấu, báo gấm, voọc ngũ sắc. Chính hệ sinh thái khô hạn, cằn cỗi của vùng rừng núi này lại tạo nên một sự tương phản khá kỳ thú. Sát ngay với rừng cây hoang mạc là biển quanh năm xanh biếc. Đây là điều kiện cực kỳ lý tưởng cho sự phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Ở phía Nam, biển Ninh Thuận mang dáng dấp bờ biển sa mạc như cồn cát Nam Cương với hai màu vàng và đỏ tạo nên những đường cong chạy vút tới tận chân trời. Địa danh Cà Ná nổi tiếng với những núi đá chồng cao vút nằm sát bờ biển và thương hiệu nước mắm cá cơm Cà Ná nổi tiếng đã được ghi trong tư liệu lịch sử từ hàng trăm năm trước. Trừ hai huyện Bác Ái và Ninh Sơn, còn lại các huyện và thành phố khác của Ninh Thuận đều có biển. Cư dân ven biển Ninh Thuận có số lượng lớn và nguồn lợi thu từ biển giữ một phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh nhà.

 Đội đua thuyền thôn Ninh Chử, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải luyện tập
chuẩn bị tham gia Liên hoan. Ảnh: Văn Miên

Ngoài những vịnh nổi tiếng như Vĩnh Hy, Ninh Chử, Cà Ná, các vũng, vịnh, bãi tắm khác trên bờ biển dài trên 105 km hầu như chưa ai biết và rất ít người đặt chân tới vì giao thông đi lại rất khó khăn, không có đường bộ. Việc tiến hành thi công con đường ven biển của Ninh Thuận đang mở ra cơ hội rất tốt cho việc đầu tư các dự án du lịch ven biển. Mới cách đây vài năm, tỉnh Ninh Thuận phải “trải thảm đỏ” để mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án du lịch thì hiện nay, với việc làm con đường ven biển và với sự quy hoạch phát triển dải ven biển một cách bài bản của tập đoàn Arup, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận xin đầu tư dự án du lịch ngày càng nhiều (chiếm trên 50% số dự án đầu tư vào Ninh Thuận). Tỉnh Ninh Thuận đã chuyển vị thế từ “trải thảm” kêu gọi đầu tư đã trở thành vị thế của người lựa chọn nhà đầu tư các dự án du lịch ven biển. Trong hoàn cảnh ấy, Ninh Thuận cần có một quy hoạch chiến lược bài bản cho phát triển du lịch, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, manh mún, phải lựa chọn những nhà đầu tư thật sự có năng lực, có tính chuyên nghiệp trong du lịch, đảm bảo tính hoang sơ, tự nhiên vốn có của biển Ninh Thuận và đầu tư phát triển bền vững, phát triển đi đôi với đảm bảo môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là các dự án liên quan đến phạm vi của Vườn Quốc gia Núi Chúa, bảo vệ bằng được rạn san hô, bãi rùa đẻ và môi trường cát trắng, biển trong xanh bên những cảnh quan của thiên nhiên đã ưu ái, ban tặng cho Ninh Thuận bờ biển tuyệt đẹp.

Với Năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ, được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận đăng cai tổ chức Liên hoan Làng biển Việt Nam, khu vực Nam Trung Bộ. Khác với các festival biển trước đây, Liên hoan Làng biển Việt Nam, ngoài mục đích nâng cao nhận thức về biển, đảo và quảng bá du lịch, Liên hoan Làng biển Việt Nam còn nhắm tới một mục đích rất quan trọng là giới thiệu, bảo tồn và tôn vinh văn hóa làng biển Việt Nam. Tại liên hoan này, các nghệ nhân đến từ các vùng văn hóa làng biển khác nhau thể hiện các nét văn hóa, văn nghệ dân gian của mình như hát múa bả trạo, múa náp, múa siêu, hò biển, diễn xướng dân gian, hô thai bài chòi, trích đoạn lễ hội nghinh Ông, triển lãm ảnh về các cảnh đẹp vùng biển của các tỉnh Nam Trung Bộ, trưng bày các hiện vật, tư liệu về biển, đảo Việt Nam, tổ chức các hoạt động thi đấu các trò chơi dân gian vùng biển như lắc thúng, đua thuyền rồng, hè cù v.v…

Với tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch của biển, Liên hoan Làng biển Việt Nam 2011 do Ninh Thuận đăng cai sẽ là cơ hội tốt để quảng bá những giá trị độc đáo của biển Ninh Thuận. Bởi vì, biển Ninh Thuận hội đủ các điều kiện tốt nhất để phát triển du lịch. Nếu được đầu tư, quảng bá và thực hiện tốt chiến lược phát triển du lịch, Ninh Thuận sẽ là một trong những điểm đến nổi tiếng của du lịch biển Việt Nam.

Ông Bùi Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trưởng đoàn Ninh Thuận

Tham gia Liên hoan Làng biển Việt Nam năm 2011 do tỉnh ta đăng cai, đoàn của tỉnh có 62 ngư dân, nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia tất cả các nội dung hoạt động. Trong đó, hoạt động văn nghệ dân gian có 5 tiết mục nghệ thuật dân gian đặc sắc như: Múa náp, tam ca hò kéo lưới, múa bả trạo, trích đoạn lễ hội nghinh Ông và múa hát Pôriyak, Pôtanghok của người Chăm. Hoạt động thi đấu thể thao gồm các nội dung: chèo thúng cá nhân, bơi 100 m, lắc thúng 100 m, nhảy bao bố trên cát và trò chơi hè cù. Đối với hoạt động triển lãm ảnh, ngoài việc giới thiệu các địa danh, danh lam thắng cảnh, dự án du lịch ven biển, … tỉnh ta còn trưng bày, giới thiệu 20 thư tịch, sắc phong liên quan đến cư dân vùng biển. Với trách nhiệm trưởng đoàn của đơn vị đăng cai tổ chức liên hoan, tôi động viên anh chị em thi đấu hết mình, thân thiện và mến khách.
Ông Nguyễn Trần Vượng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Giao lưu văn hóa ẩm thực biển là một trong những hoạt động chính nằm trong chuỗi sự kiện của Liên hoan Làng biển Việt Nam diễn ra tại Khu du lịch biển Ninh Chử. 20 đơn vị nhà hàng, khách sạn và khu du lịch trong khu vực tham gia; trong đó tỉnh ta có trên 10 đơn vị. Ngoài việc giới thiệu các món ăn đặc sản miền biển như: tôm, cua, cá, ghẹ; trình diễn nghệ thuật chế biến, trưng bày các sản phẩm thực phẩm, trái cây đặc thù nổi tiếng của địa phương như: nho, tỏi, bánh căn, bánh xèo, cơm gà, gỏi dông, thịt dê, cừu,… đoàn Ninh Thuận còn mang đến cho du khách một số món ăn truyền thống của bà con dân tộc thiểu số vùng cao Bác Ái như: cơm lam, gà rừng nướng ống tre, heo cỏ nướng ống tre... Thông qua hoạt động này, nhằm quảng bá tiềm năng du lịch biển, kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư đến với Ninh Thuận.
Ông Lê Hồng Khánh, Trưởng đoàn tỉnh Quảng Ngãi

Chúng tôi rất vui mừng khi được tham gia Liên hoan làng biển Việt Nam tại Ninh Thuận. Đoàn Quảng Ngãi có 24 người, trong đó 19 nghệ nhân và diễn viên quần chúng mang đến liên hoan các tiết mục văn nghệ dân gian vùng biển ( hát múa bả trạo; hô bài chòi cổ (theo lối chơi 9 chòi); hát ru con giọng nam) và nhiều môn thể thao trên biển. Chúng tôi đã chuẩn bị một sưu tập ảnh có tên “Biển đảo Quảng Ngãi và Hoàng Sa – Trường Sa”, trong số các ảnh này có những bức chụp lại tư liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa về vùng biển thân yêu của chúng ta mà người dân đảo Lý Sơn cất giữ lâu đời. Tôi hy vọng rằng đây là những tư liệu quý giá thông qua triển lãm ảnh tại liên hoan sẽ là căn cứ khẳng định rõ hơn chủ quyền về biển- đảo của Việt Nam.

Ninh Thuận có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, trong đó có làng gốm Bàu Trúc của người Chăm. Sau chuyến đi này , chắc tôi sẽ có thêm vài kỷ vật bằng gốm bổ sung vào bộ sưu tập.
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng đoàn tỉnh Quảng Nam

Các nghệ nhân và diễn viên quần chúng ở một số làng biển của chúng tôi đã tập luyện rất nhiệt tình, với mong muốn đem đến Liên hoan Làng biển Việt Nam ở Ninh Thuận những tiết mục văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của làng biển Quảng Nam. Toàn đoàn có 31 người, trong đó có 26 nghệ nhân, diễn viên. Đoàn tham gia 2 nội dung: Văn nghệ dân gian (hát bả trạo, dân ca lý vãi chài, đơn ca dân ca) đây là những tiết mục đặc sắc được người dân vùng biển Quảng Nam lưu giữ từ nhiều đời nay và tham gia môn đua lắc thúng.

Dấu ấn trong tôi là con người Ninh Thuận sống rất chân thành và hiếu khách. Ninh Thuận đang trên đà phát triển nhanh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm rất đẹp. Tôi là nhạc sĩ, nên lần này sẽ tham quan nhiều nơi, nhất là các làng nghề, điểm du lịch biển để lấy cảm hứng sáng tác về Ninh Thuận.