Lễ bỏ mả của tộc người Raglai

(NTO) Lễ bỏ mả có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của tộc người Raglai ở Ninh Thuận. Trong lễ bỏ mả tập trung nhiều loại hình nghệ thuật như: Kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, múa, trình diễn...với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”. Đồng thời “giải thoát” hoàn toàn mọi sự ràng buộc của người sống đối với người chết.

Thân nhân rước linh hồn người đã khuất về nhà dự lễ bỏ mả

Đồng bào Raglai cho rằng chưa làm lễ bỏ mả là chưa cắt đứt mối quan hệ linh hồn giữa người chết với người còn sống. Vì thế, trong suốt thời gian này, người nhà phải qua lại thăm viếng, tiếp tế thức ăn, vật dụng cho người đã khuất. Chỉ khi nào làm lễ bỏ mả thì linh hồn người chết mới được siêu thoát và đi về thế giới của ông bà tổ tiên. Sau lễ cúng bỏ mả coi như hết tang, người chồng hoặc người vợ được người quá cố cho phép đi bước nữa để thực hiện cuộc sống tự do của mình. Lễ hội bỏ mả được coi là một lễ hội lớn của gia đình, cộng đồng, một ngày vui thực sự của người sống và của cả người chết. Trong lễ bỏ mả có đánh mã la, đâm trâu, múa hát, uống rượu cần mừng cho linh hồn người chết được siêu thoát.

Lễ bỏ mả thường được tổ chức vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch, thời điểm chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Thời gian tổ chức thường là 3- 5 ngày bao gồm nhiều công việc được tiến hành với nhiều lễ thức. Có một số lễ thức khác nhau do quy mô của lễ thuộc đám lớn hay đám nhỏ, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình, dòng tộc của người chết và cũng tùy theo phong tục địa phương. Đối với đám bỏ mả lớn thì thường có Kagor. Kagor được làm bằng gỗ, có hình dáng chiếc thuyền chạm khắc rất đẹp và công phu, trên bề mặt lòng thuyền là cái nhà trong đó nhà ở giữa có hai tầng. Ngoài ra, Kagor còn có hình chim muôn và một số con vật khác được khắc chạm trang trí bên hông thuyền và trên nóc. Kagor biểu tượng tài sản tượng trưng cho sự giàu sang phú quí mà người sống làm để tặng cho người chết với ước mong người chết sẽ được sống sung sướng, đầy đủ như mong ước chung của người Raglai.

Các thầy cúng mời người đã khuất về nhận lễ vật trong lễ bỏ mả

Sau lễ bỏ mả, linh hồn người chết hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc của người sống, người chết thực sự đi đến "quê hương mới" của mình. Còn người sống được "giải phóng" thoát khỏi mọi liên hệ với người chết. Nói cách khác, lúc này người chết chuyển sang trạng thái sống khác, không liên hệ gì với người thân nữa. Do vậy người Raglai không có tục thờ cúng giỗ chạp hay làm bàn thờ người chết sau lễ bỏ ma. Đặc biệt, trong lúc sống dù có hiền lành hay hung dữ, thật thà hay gian ngoa hoặc sống không phải đạo làm người với dân làng, với cha mẹ, vợ chồng, anh em trong gia đình thì khi chết đều được làm lễ bỏ mả chu đáo. Đây chính là tính nhân văn độc đáo trong một lễ hội mang đậm nét truyền thống của tộc người Raglai.

Lễ bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết. Đồng thời còn là dịp thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ và còn biểu hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt, thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Lễ bỏ mả của người Raglai chứa đựng những quan niệm về sự sống, cái chết và quan niệm về thế giới tâm linh. Đối với họ, chết không phải là hết mà là bắt đầu cho cuộc sống khác ở một thế giới khác, đó là xứ sở của ông bà tổ tiên.

Nhà mồ của đồng bào Raglai ở thôn Động Thông, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc

Người Raglai cho rằng khi chết được về với xứ sở ông bà, họ sẽ được gặp lại những người thân đã chết trước đó và đây cũng là niềm vui, nguồn an ủi đối với con người khi chết. Tuy nhiên, muốn về xứ sở đó, người chết phải được làm lễ bỏ mả, một nghi thức kéo dài về thời gian và tốn kém về tiền bạc, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để làm được. Mặc dù trong lễ này có sự đóng góp của mọi người trong dòng họ và cộng đồng. Quy mô lễ hội diễn ra rộng lớn thu hút cả làng và nhiều làng khác đến tham gia. Lễ bỏ mả là một nét đẹp văn hóa đồng thời cũng là một gánh nặng về tài chính đối với gia chủ. Lễ bỏ mả không qui định về số người, có thể làm cho một người hay làm chung cho nhiều người trong cùng một dòng họ. Tinh thần hướng về tổ tiên vẫn thể hiện trong tình cảm của người Raglai cho thấy họ không hề bỏ quên nguồn cội mặc dù họ không có tục thờ cúng tổ tiên, không chăm sóc khu nhà mồ của người chết sau khi đã làm lễ bỏ mả. Vào các dịp cúng lễ, người ta vẫn khấn vái mời ông bà về chứng giám và hưởng lễ vật, nhất là trong các lễ ăn đầu lúa mới.

Tóm lại, sự “đoạn tuyệt” với người chết trong lễ bỏ mả có ý nghĩa về mặt trách nhiệm vì theo họ lúc này người chết đã được giải thoát, có một cuộc sống khác nên không cần người sống chăm lo nữa. Đối với họ, linh hồn mới là quan trọng nên sau lễ bỏ mả người chết được về với tổ tiên. Ngày nay, tộc người Raglai Ninh Thuận vẫn gìn giữ nghi lễ tang ma và cúng bỏ mả cho người chết theo tập tục truyền thống do nhu cầu đời sống tâm linh. Đồng thời là nhu cầu sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng chung tay xây dựng nông thôn miền núi ngày càng phát triển.