Hiện nay dự án thành phần 1 đường từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới dài 22,3km đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là trên tuyến đường mới mở rộng này, huyện Ninh Sơn đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Tuyến đường Tân Sơn - Tà Năng đi qua địa bàn huyện đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai dọc hai bên tuyến đường, huyện đã thuê đơn vị tư vấn điều chỉnh các quy hoạch xây dựng trên địa bàn các xã có tuyến đường đi qua như: Quảng Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới và thị trấn Tân Sơn. Trong đó định hướng phát triển quy hoạch dọc hai bên đường thị trấn Tân Sơn là đất dịch vụ, thương mại, dân cư, trung tâm hành chính, các diện tích đất còn lại của các xã tùy theo vị trí sẽ hướng quy hoạch phù hợp với thực tế từng địa phương. Đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý đất đai, không buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép mà không xử lý kịp thời.
Cán bộ xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) thường xuyên kiểm tra, nắm địa bàn, kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Tại xã Hòa Sơn, tuyến đường Tân Sơn - Tà Năng đi qua địa bàn xã có tổng chiều dài hơn 3km, để không xảy ra tình trạng xây dựng trái phép dọc hai bên tuyến đường, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ nguyên hiện trạng đất, không được xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp, nhằm duy trì đất sản xuất cho người dân, đảm bảo đất được sử dụng đúng mục đích, theo kế hoạch, định hướng. Ông Tấn Văn Hùng, thôn Tân Lập, cho biết: Gia đình tôi có 4ha đất và đã đồng thuận bàn giao 2 sào cho Nhà nước xây dựng tuyến đường, phần đất còn lại được trồng cỏ chăn nuôi bò, trồng cây bạch đàn và mì. Trước đây khi chưa làm đường, gia đình có làm nhà tiền chế để ở giữ rẫy và chứa dụng cụ làm vườn, nông sản sau thu hoạch. Đến khi tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng, gia đình được địa phương đến nhà tuyên truyền, phổ biến quy định của Nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng, nên gia đình luôn chấp hành đúng pháp luật và đã ký cam kết không cơi nới, mở rộng, xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp.
Còn tại xã Quảng Sơn, dọc hai bên tuyến đường trong bán kính 200m có tổng diện hơn 200ha đại đa số là đất nông nghiệp, với trên 150 hộ đang canh tác trồng mía, mì. Nhằm quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, địa phương đã phối hợp với các hội đoàn thể thành lập Tổ công tác tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên kiểm tra, nắm địa bàn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm ngay từ đầu, tránh diễn biến phức tạp. Ông Hoàng Lê Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết: Khi tuyến đường được mở rộng, một số hộ dân đã có những vi phạm về xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Trước thực trạng đó, xã đã thực hiện quyết liệt các biện pháp công tác xử lý nghiêm, vừa làm công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm. Qua rà soát, địa phương phát hiện 1 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hộ gia đình cũng đã tự nguyện tháo dỡ công trình trên đất và trả lại hiện trạng ban đầu; dọc hai bên tuyến đường còn có 5 căn chòi được hộ dân làm tạm để ở lại giữ rẫy, đây là những công trình tồn tại trước khi làm đường, xã đã cho hộ dân ký cam kết giữ nguyên hiện trạng, không mở rộng vi mô và không xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp. Đồng thời địa phương cũng đã chỉ đạo đến cán bộ địa chính và tư pháp, chủ động tuyên truyền hộ dân đến xã giao dịch mua bán đất, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm quản lý đối với hoạt động làm giá, mua đi bán lại nhiều lần trên cùng một thửa đất để tạo “cơn sốt đất ảo” thu lợi bất chính.
Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, cho biết thêm: Với mục đích khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tuyến đường Tân Sơn - Tà Năng, làm cơ sở để các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức có cơ hội đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn; đồng thời, định hướng, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các loại cây trồng vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc trưng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo phát triển bền vững và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng hiện đại, sản xuất gắn với tiêu thụ, giúp nông dân vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Huyện đã chủ động ban hành kế hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hòa Sơn và Ma Nới dọc theo tuyến đường Tân Sơn - Tà Năng, với tổng diện tích 1.074,16ha. Trong đó, đối với cây trồng, sẽ phát triển các vùng sản xuất tập trung cây mía, với diện tích 200ha; phát triển 3 vùng sản xuất tập trung cây mì với tổng diện tích 220ha; hình thành vùng sản xuất tập trung cây nho và cây táo tại thôn Tân Lập với diện tích 50ha; sản xuất tập trung cây bắp luân canh với cây họ đậu có tổng diện tích 410ha và phát triển một vùng trồng cây ăn quả tại khu vực Núi Quýt xã Ma Nới với diện tích 50ha. Đối với chăn nuôi, sẽ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, trang trại đảm bảo an toàn sinh học và tuần hoàn; liên kết với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng với diện tích phát triển vùng chăn nuôi tập trung 144,16ha tại xã Hòa Sơn.
Kim Thùy