* Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho phát triển KT-XH của các địa phương trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Các sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ giới thiệu quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tham gia các Hội chợ triển lãm, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, giới thiệu đưa vào hệ thống các siêu thị; hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Sản phẩm OCOP nha đam 4 sao của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt đầu tư tại Khu công nghiệp Thành Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) được nhiều khách hàng tin dùng. Ảnh: Văn Nỷ
Trên địa bàn thành phố được hỗ trợ xây dựng 2 điểm bán sản phẩm OCOP: 01 điểm tại Tháp Poklong Garai, 1 điểm tại Chợ đêm du lịch Ninh Thuận.; Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử tham gia, duy trì trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và nước ngoài để xuất khẩu sang thị trường các nước ký kết các FTA và thị trường Halal. Đến nay, tất cả các doanh nghiêp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm được chứng nhận OCOP đều được hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay trên địa bàn thành phố có 16 doanh nghiêp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm được chứng nhận OCOP được hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và nước ngoài, với 73 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao và trên 100 sản phẩm khác.
* Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã tập trung ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kinh tế đô thị gắn với xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực tham gia chuyển đổi số, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số để góp phần phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm thành phố đã lồng ghép, giao chỉ tiêu kế hoạch nguồn lao động tham gia các ngành kinh tế trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành lĩnh vực. Bố trí kinh phí từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, nguồn vốn của địa phương, thông qua Chương trình đào tạo, các dự án hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phát triển nguồn nhân lực năm 2021- 2023 hơn 74,71 tỷ đồng. Mở các lớp đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn thành phố, kinh phí thực hiện 716 tỷ đồng. Đầu tư cho ngành Giáo dục 70,15 tỷ đồng.
Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đầu tư trang thiết bị máy vi tính phục vụ giảng dạy môn tin học cho Trường THCS Trần Phú. Ảnh: Văn Nỷ
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thành phố đã triển khai các kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ - du lịch nhằm từng bước nâng cao tay nghề và chất lượng lao động. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực tham gia chuyển đổi số, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số để góp phần phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức quản lý và chuyên môn, nhất là kiến thức ngoại ngữ, giao tiếp, hội nhập quốc tế.
Xuân Bính