Với tiêu chí trọng tâm là “đoàn kết và trách nhiệm”, gói di cư vừa được thông qua nhằm mục đích giúp các nước châu Âu đang gặp áp lực di cư. Theo đó, các quốc gia thành viên khác của EU sẽ phải tham gia vào việc tái định cư những người xin tị nạn hoặc những người được hưởng sự bảo vệ quốc tế trên lãnh thổ của họ, hoặc lựa chọn hình thức khác là đóng góp tài chính hoặc cung cấp hỗ trợ hoạt động và kỹ thuật.
Gói di cư mới dự kiến sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026 và 27 nước thành viên EU sẽ có hai năm để đưa ra những thay đổi tương ứng trong luật pháp quốc gia của mình. Nội dung của những điều luật trong gói di cư này bao gồm:
Quy định mới nhằm giải quyết các tình huống khủng hoảng và bất khả kháng để thiết lập một cơ chế ứng phó với sự gia tăng đột ngột lượng người di cư. Bên cạnh đó, đảm bảo sự đoàn kết và hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phải đối mặt với làn sóng đặc biệt của công dân nước thứ ba.
Người di cư được đưa tới cảng La Restinga, quần đảo Canary, Tây Ban Nha, sau khi được giải cứu trên biển.
Quy định rõ ràng về sàng lọc trước khi nhập cảnh - bao gồm nhận dạng, thu thập dữ liệu sinh trắc học cũng như kiểm tra sức khỏe và an toàn trong thời gian tối đa là 7 ngày, áp dụng các cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản, rút ngắn thời gian xử lý đơn xin tị nạn tại biên giới EU, lưu trữ dữ liệu về những người nhập cảnh EU một cách bất thường trong bộ cơ sở dữ liệu Eurodac.
Ủng hộ việc đưa ra các tiêu chuẩn thống nhất mới cho tất cả các quốc gia thành viên liên quan đến việc công nhận tình trạng người tị nạn hoặc tình trạng cần được bảo vệ bổ sung; đồng thời làm mới các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ của người xin tị nạn.
Có thể nói, vấn nạn di cư không chỉ khiến các nước EU mà nhiều quốc gia trên thế giới “đau đầu” tìm giải pháp.
Trong quý I/2024, Anh đã xử lý 5.373 trường hợp di cư bất hợp pháp vào bờ biển miền Nam nước này sau khi vượt eo biển Manche trên các thuyền nhỏ. Theo Bộ Nội vụ Anh, con số trên tăng gần 42% so với năm ngoái. Năm 2023, tổng cộng gần 30.000 người đã vượt eo biển Manche vào Anh, phần lớn là người dân các nước Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Eritrea và người Iraq. Trước thực trạng này, chính phủ Anh đã tập trung tháo gỡ mắt xích quan trọng là những thuyền nhỏ vượt eo biển Manche vốn đang tăng mạnh. Các thỏa thuận của Chính phủ Anh với một số nước như Bulgaria hay Albania đã giúp giảm đáng kể số lượng người di cư từ các quốc gia Balkan, thúc đẩy một số chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định mạng lưới di cư trái phép hoạt động rất tinh vi, luôn tìm ra những mánh lới mới để đối phó với các biện pháp của cơ quan thực thi pháp luật.
Tại Đức, số đơn xin tị nạn lần đầu ở nước này trong quý I/2024 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ chính sách của chính phủ liên minh ba đảng hiện nay. Bộ Nội vụ Đức cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát biên giới trong thời gian cần thiết để hạn chế hậu quả tình trạng di cư bất thường trong thời gian dài.
New Zealand cho biết nước này đang thực hiện những thay đổi ngay lập tức đối với chương trình thị thực làm việc sau khi làn sóng di cư cao gần như ở mức kỷ lục vào năm 2023. Những thay đổi này bao gồm các biện pháp như đưa ra yêu cầu về khả năng sử dụng tiếng Anh đối với các công việc chỉ cần tay nghề thấp và đặt ra ngưỡng kỹ năng cũng như kinh nghiệm làm việc tối thiểu đối với hầu hết các thị thực lao động. Thời gian lưu trú liên tục tối đa đối với hầu hết các lao động có tay nghề thấp cũng sẽ giảm từ 5 năm xuống còn 3 năm.
Australia, nước láng giềng của New Zealand, cũng đang phải chứng kiến lượng người di cư tăng vọt. Quốc gia châu Đại Dương này cho biết sẽ giảm một nửa lượng người nhập cư trong 2 năm tới.
Nằm ở trung tâm Địa Trung Hải, Tunisia là một trong những điểm trung chuyển chính được những người di cư bất hợp pháp lựa chọn để tiếp cận châu Âu. Bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt được chính quyền Tunisia thực hiện, số lượng người di cư không có giấy tờ cố gắng đến Italy từ bờ biển của quốc gia Bắc Phi này vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), di cư bất hợp pháp và cưỡng bức di cư đã đạt đến mức độ “chưa từng có”, trở thành vấn đề nan giải của nhiều quốc gia và khu vực, tiếp tục đặt ra thách thức không nhỏ đối với thế giới trong năm 2024 này.
Theo TTXVN