Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều, giảm 5 điều so với dự án Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều. Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô cũng như sự phát triển chung của cả nước. Theo đó, dự án Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Hà Nội trên một số lĩnh vực; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của trung ương, của Bộ Chính trị có liên quan đến các chính sách được thể hiện trong dự án Luật.
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất với bố cục, nội dung của dự án, đồng thời góp ý thêm một số vấn đề như: Xem xét, tính toán về việc quy định công nhận danh hiệu công dân danh dự Thủ đô, các quyền lợi, nghĩa vụ khi nhận danh hiệu tại điều 7; bổ sung quy định “Thủ đô Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt” để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng cũng như yêu cầu phải đạt được của Thủ đô tại điều 2; các quy định tại Chương III của dự án Luật còn mang tính nguyên tắc, chưa giải quyết được nhiều vấn đề bất cập hiện nay; cần có quy định cụ thể hơn trong việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khoản 2 điều 33...
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến của đại biểu; đồng thời tiếp thu, tổng hợp để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 sắp tới.
Lê Thi