Buổi học lý thuyết của thầy và trò lớp Trung cấp Công nghệ ô tô, Trường CĐ Nghề Ninh Thuận diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng khi phương pháp dạy được đổi mới, áp dụng công nghệ số (CNS) và máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ đắc lực, hiệu quả việc dạy và học. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Duy, giảng viên ngành Công nghệ ô tô cho biết: Trước đây, khi chưa áp dụng CNS, các bài dạy từ lý thuyết đến thực hành khá khô khan, đơn điệu, khó chuyển tải hết nội dung bài học. Sinh viên (SV) không mấy hào hứng, dẫn đến tiếp thu bài chậm. Sau khi đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng các phần mềm CNS như: LMS, TPE, giáo viên (GV) năng động, sáng tạo chuyển các bài giảng truyền thống sang điện tử đã giúp cho việc dạy học và học diễn ra khá thuận lợi, tạo được hứng thú học tập cho SV, góp phần rèn luyện kỹ năng, vận dụng kiến thức, nâng cao hiệu quả trong công tác giảng dạy lý thuyết.
Sinh viên lớp trung cấp công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận hào hứng với bài giảng điện tử.
Từ năm 2021, Trường CĐ Nghề Ninh Thuận được Tổ chức GIZ (HLB Đức) hỗ trợ các hoạt động chuyển CĐS: trang thiết bị, xây dựng mô-đun đào tạo năng lực số, tập huấn cho GV xây dựng bài giảng điện tử. Hiện nay đang có một chuyên gia CĐS làm việc tại trường để hỗ trợ GV, SV nâng cao năng lực số cũng như giúp nhà trường thực hiện chiến lược CĐS.
Trong hoạt động giảng dạy, nhà trường đã triển khai Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS hay Moodle) qua đó GV dễ dàng kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập; SV truy cập, nghiên cứu nội dung các bài giảng điện tử khi ở nhà ...Nhà trường từng bước triển khai các hoạt động đào tạo trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học và công tác kiểm tra, đánh giá.
Qua các phần mềm GV có thể theo dõi toàn bộ quá trình học tập của SV tại trường; đánh giá năng lực học tập trực quan hơn. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống quản lý từ tuyển sinh đến chương trình đào tạo, quá trình học tập, thời khóa biểu… đều được tích hợp trên hệ thống phần mềm quản lý chung toàn trường, giúp công tác quản lý đào tạo được minh bạch, khách quan, nhanh và chính xác.
SV Châu Thành Long, Lớp Trung cấp Công nghệ ô tô K23 chia sẻ: Giờ học được hỗ trợ thêm máy tính, máy chiếu, các phần mềm dạy học, các clip mô phỏng giúp SV tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn; tăng tương tác giữa thầy và trò. Đồng thời, khi học mô hình mô phỏng SV có thể tháo lắp trên môi trường số giúp chúng em dễ hình dung và áp dụng vào thực tiễn hơn.
Không chỉ thành thạo ứng dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS mà nhiều năm nay, việc quản lý cán bộ, viên chức và người lao động cũng như quản lý đào tạo, quản lý tài chính... của nhà trường đã và đang được số hóa, quản lý bằng phần mềm. .Đặc biệt, từ khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4108/KH-UBND ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình CĐS quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trường đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án CĐS của nhà trường. Đến nay, trường đã trang bị 7 phòng với 150 bộ máy tính để phục vụ công tác giảng dạy và làm việc của cán bộ, GV. Hiện tại các Khoa và GV tích cực thực hiện tốt việc biên soạn các bài giảng số đối với các môn chung như: Tin học, Ngoại ngữ, Kỹ năng mềm, Bảo vệ môi trường...Ngoài ra, các khoa chuyên môn như: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Công nghệ ô tô có các phần mềm, thiết bị mô phỏng theo chuyên ngành giảng dạy...
Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh Quốc, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Ninh Thuận cho biết: Thời gian tới, nhà trường tiếp tục đầu tư, nâng cấp phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số bảo đảm để triển khai CĐS một cách đồng bộ, trong đó tập trung vào các ngành, nghề trọng điểm. Tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, GV chuyên về phát triển các ứng dụng số, học liệu số…; khuyến khích, động viên cán bộ quản lý, GV mạnh dạn nghiên cứu và xây dựng nên những đề tài, sáng kiến mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, dạy và học từ CĐS mang tính hiệu quả cao để áp dụng rộng rãi trong thực tiễn hoạt động GDNN.
Những kết quả đạt được bước đầu trong thực hiện quản lý, dạy và học theo CNS đã đảm bảo thực hiện tốt công tác đào tạo nghề theo hướng dạy thực chất, học thực chất và góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong GDNN...Tuy nhiên, nhà trường vẫn đang ở giai đoạn đầu bắt tay vào triển khai thực hiện nên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu CĐS cao, trong khi nguồn lực đầu tư, khả năng tiếp cận và ứng dụng CNS vào thực hiện nhiệm vụ quản lý, giảng dạy, học tập còn hạn chế. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của đơn vị cần có sự “tiếp sức” nhiều hơn của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Duy Nam