Tại Trường Tiểu học Phước Thắng, chúng tôi ghi nhận không khí học tập kết hợp các hoạt động vui chơi, sinh hoạt ngoại khóa diễn ra rất sôi nổi và nhộn nhịp, tạo sự thích thú và háo hức cho các em HS khi đến trường. Bên cạnh việc tổ chức “Lễ hội mùa xuân” với nhiều hoạt động như: Viết thư pháp, nhảy sạp, văn nghệ, biểu diễn thời trang, gian hàng trưng bày đặc sản, tô tượng, chợ quê... Bên cạnh đó, nhà trường cũng lồng ghép đưa VHTT Raglai vào trường học như: Đưa trang phục Raglai vào làm đồng phục cho HS; mời các nghệ nhân đến trường để nói chuyện, chia sẻ về di sản văn hóa dân tộc, ý nghĩa trang phục truyền thống, truyền dạy các nhạc cụ của dân tộc Raglai... Em Katơr Thị Bích Ngọc, HS lớp 4A cho biết: Em cảm thấy rất vui khi mỗi ngày đến trường học. Đến trường học tập, vụi chơi, được các ông, các bà truyền dạy cách đánh Mã la, đàn Chapi và đọc các tập san Raglai ở trường, em cảm thấy rất tự hào vì biết thêm về văn hóa của quê hương mình.
Nghệ nhân Mai Thắm ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng hướng dẫn các em học sinh Trường Tiểu học Phước Thắng chơi các nhạc cụ của dân tộc Raglai.
Nghệ nhân Mai Thắm ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, cho biết: Bản thân tôi rất vui vì thường được các trường học trên địa bàn huyện mời về nói chuyện, dạy, truyền đạt các nhạc cụ cho các em HS để các em biết thêm về VHTT của đồng bào Raglai mình để gìn giữ và bảo tồn tiếng Mã la, tiếng đàn Chapi, tiếng kèn và nhiều truyền thống khác nữa. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Uyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhằm tạo không khí vui tươi và hứng khởi cho các em đến trường, thời gian qua, nhà trường tổ chức các mô hình như: Lễ hội mùa xuân; sưu tầm, biên soạn tập san với nhiều nội dung về phong tục, tập quán, các lễ hội và các trò chơi dân gian của đồng bào Raglai; mời các nghệ nhân trực tiếp về trường hướng dẫn và truyền dạy các nhạc cụ của dân tộc Raglai... thông qua những hoạt động này giúp tỷ lệ HS đến trường đạt rất cao. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy những mô hình này trong những năm học tiếp theo.
Giáo viên Trường Tiểu học Phước Thắng giới thiệu tập san do nhà trường biên soạn về: Các phong tục, tập quán, lễ hội của đồng bào Raglai đến với các em học sinh.
Không chỉ tổ chức các hoạt động vui chơi, lồng ghép đưa VHTT Raglai vào trường học thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, năm học 2021-2022, chương trình học cho HS lớp 1, lớp 2 bằng tiếng Raglai được Sở Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa vào giảng dạy tại tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện Bác Ái, giúp các em thêm hào hứng, thích thú khi tới trường học tập.
Thầy giáo Đặng Ngọc Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái cho biết: Thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc đưa trang phục vào trường học và tiếng Raglai vào giảng dạy. Ngoài ra, nhiều trường còn lồng ghép, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mời các nghệ nhân về chỉ dẫn cho các em HS học các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Raglai, cách đan lát, trang phục truyền thống của đồng bào Raglai... mang lại hiệu ứng rất tích cực, giúp các em HS hiểu hơn và thêm yêu văn hóa quê hương mình, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai.
Kha Hân