Văn bản nêu rõ: Theo báo cáo ngành thuế, sau gần 02 năm triển khai Thông tư số 23/2021/TT BTC ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, công tác quản lý thuế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: hiện đại hóa việc tra cứu, quản lý, sử dụng tem điện tử trên ứng dụng, cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; thuận lợi trong kiểm tra, thanh tra do vừa chứa dữ liệu điện tử, lại dễ dàng nhận biết bằng mắt thường và chống làm giả cao; nâng cao hiệu lực, đổi mới phương pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng trong thực thi pháp luật thuế; ngoài ra dữ liệu tem điện tử được khai thác, tra cứu qua mã QR vừa phục vụ cho người tiêu dùng, vừa hỗ trợ quản trị doanh nghiệp thông qua công tác kế hoạch, xác định được nhu cầu in, sử dụng tem, lượng thành phẩm hoàn thành nhập kho.
Tuy nhiên, qua khảo sát công tác quản lý, sử dụng tem điện tử đối với sản phẩm rượu, thuốc lá cho thấy còn một số hạn chế trong việc quản lý tem. Biểu hiện là còn có nhiều sản phẩm, nhất là rượu thủ công bày bán công khai, tiêu thụ trên thị trường nhưng không đăng ký, dán tem. Nguyên nhân chủ yếu là công tác phối hợp giữa các cấp ngành tại phương với cơ quan thuế trong việc rà soát thực tế hoạt động sản xuất, quản lý cấp phép để xác định tổ chức, cá nhân (TCCN) thuộc diện quản lý sử dụng tem chưa được chặt chẽ, thường xuyên; chưa có quy chế phối hợp để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố giải pháp đồng bộ quản lý, sử dụng tem điện tử đối với hoạt động sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn; công tác tuyên truyền chưa thực sự định hướng và tác động mạnh mẽ đến ý thức tuân thủ của TCCN sản xuất rượu, thuốc lá, cũng như quyền lợi và nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng, nhân dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc quán triệt sử dụng sản phẩm đã dán tem theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý tem điện tử đối với sản phẩm rượu và sản phẩm thuốc lá sản xuất tiêu thụ trong nước, góp phần quản lý sản lượng tiêu thụ, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các nội dung, giải pháp như sau:
1. Cục Thuế:
a) Chủ trì tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước trên địa bàn tỉnh. Thành phần Ban chỉ đạo gồm: Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Thống kê tỉnh, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Chi cục Hải quan Ninh Thuận, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã,… để chỉ đạo chung công tác quản lý tem điện tử, góp phần chống thất thu thuế trên địa bàn.
b) Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp: Quy định rõ trách nhiệm cấp, ngành; mục tiêu (rà soát, đánh giá toàn bộ TCCN sản xuất rượu, thuốc lá thực tế đang hoạt động trên địa bàn - tổ chức cá nhân đủ điều kiện sản xuất, sản xuất tiêu thụ ổn định phải đăng ký và xem xét cấp phép hoặc xử lý theo quy định – các tổ chức cá nhân phải thực hiện đăng ký nộp thuế, đăng ký, sử dụng tem điện tử theo quy định); thời gian; phương pháp; nội dung phối hợp (xử lý vi phạm và trao đổi, rà soát thông tin về: số lượng tổ chức cá nhân - thời gian sản xuất - quy mô - mẫu mã, bao bì - đã hoặc chưa đăng ký sản phẩm OCOP - công suất, sản lượng thực tế sản xuất, tiêu thụ - hướng dẫn TCCN cam kết dán tem 100% sản phẩm rượu, thuốc lá, đúng theo quy định,...; tổng kết, đánh giá, thi đua khen thưởng hàng năm. Đề xuất cơ chế khen thưởng cho tổ chức cá nhân có thành tích, nhất là có tham mưu phương án, cách quản lý hiệu quả và khuyến khích người dân phát hiện vi phạm trong quản lý, sử dụng tem thì cung cấp thông tin (bao gồm cả cung cấp bản chụp sản phẩm chưa dán tem) đến các cơ quan như: công thương, quản lý thị trường, thuế,...).
c) Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp hàng năm trước ngày 25/12 năm trước, chi tiết nội dung kế hoạch theo từng tháng.
d) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, đổi mới, đa dạng đến toàn thể tổ chức, cá nhân tại các phường xã, tổ dân phố, các TCCN sản xuất thuốc lá, rượu, các cơ quan nhà nước trên địa bàn.
2. Sở Công Thương:
a) Ban hành văn bản chỉ đạo rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố phối hợp với Cục Thuế và các cấp, các ngành thực hiện rà soát, tổng hợp, đánh giá trên cơ sở rà soát đến từng xã, phường về: thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh (thời gian bắt đầu sản xuất - công suất hoặc quy mô năng lực sản xuất thực tế - sản lượng sản xuất, tiêu thụ - doanh thu, lợi nhuận - bao bì, mẫu mã - sản phẩm OCOP hay thủ công truyền thống - bán trong và ngoài tỉnh - liên kết sản xuất,....); công tác cấp phép theo thẩm quyền; đăng ký, sử dụng tem; đãng ký, kê khai nộp thuế..
b) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm quy định về dán tem đối với rượu và thuốc lá theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022).
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ trong việc triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
a) Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, quán triệt đơn vị không sử dụng sản phẩm không dán tem, không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Thông qua công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, TCCN trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước.
b) Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã,... phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu trên địa bàn theo Thông tư số 23/2021/TT-BTC, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giám sát các TCCN sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế, ngăn ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu thuế.
c) UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Cục Thuế và các cấp, các ngành thực hiện rà soát, tổng hợp, đánh giá trên cơ sở rà soát đến từng xã, phường về: thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh (thời gian bắt đầu sản xuất - công suất hoặc quy mô năng lực sản xuất thực tế - sản lượng sản xuất, tiêu thụ - doanh thu, lợi nhuận - bao bì, mẫu mã - sản phẩm OCOP hay thủ công truyền thống - bán trong và ngoài tỉnh - liên kết sản xuất,....); công tác cấp phép theo thẩm quyền; đăng ký, sử dụng tem; đăng ký, kê khai nộp thuế.
d) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, UBND các huyện, thành phố (chỉ đạo Đài truyền thanh, các phường, xã, tổ dân phố) phối hợp cơ quan thuế tăng cường công tác tuyên truyền cho các TCCN sản xuất thuốc lá, rượu phải thực hiện đăng ký, dán tem đúng quy định, nâng cao quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng, cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong việc quán triệt sử dụng sản phẩm đã dán tem đúng quy định. Nhằm nâng cao hiệu lực, đổi mới phương thức quản lý thuế, tránh thất thu NSNN.
đ) Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ của TCCN sản xuất thuốc lá, rượu trên địa bàn tỉnh.
4. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung nêu tại Công văn này. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến gửi về Cục Thuế xem xét, giải quyết; trường hợp vượt thầm quyền quyết định, Cục Thuế báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời./.
NT