Phan Rang- Tháp Chàm: Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão

(NTO) Rút kinh nghiệm từ các đợt lũ lụt những năm trước, đặc biệt là cơn lũ “lịch sử” vào cuối tháng 10, ngay từ đầu năm, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đã xây dựng phương án, chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai trong năm 2011.

Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”: chủ động phòng chống trước, phương án chuẩn bị trước, phát hiện xử lý trước; chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư và hậu cần tại chỗ; thành phố đã chỉ đạo các xã, phường kiện toàn ban chỉ đạo, lực lượng xung kích; rà soát, kiểm tra tình hình thực tế, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để chủ động ứng phó trước mùa mưa bão. Ban chỉ đạo thành phố phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra các công trình cầu, đường, hệ thống kênh mương, hệ thống đèn báo bão, đê sông Dinh, cống ngăn lũ dưới đê, hệ thống thoát nước ở khu dân cư, các vùng sản xuất… để có kế hoạch khắc phục, sửa chữa kịp thời; đồng thời đốc thúc nhanh tiến độ thi công một số công trình xây dựng cơ bản trước mùa mưa bão. Đặc biệt, để bảo vệ hệ thống đê sông Dinh, Ban chỉ đạo thành phố thành lập lực lượng xung kích gồm 300 thanh niên, dân quân tự vệ, lực lượng công an, quân sự; huy động tối đa phương tiện trưng dụng như xe ba gác, ô-tô chở cát, bao cát nhanh chóng khắc phục khi có sự cố xảy ra. Thành phố đã được tỉnh đầu tư xây dựng một số dự án phục vụ cho phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn như: Nâng cấp đê sông Dinh, làm bê-tông ngăn lũ từ phường Phủ Hà đến Đạo Long, nâng cấp đoạn cuối kênh Chà Là; tổ chức triển khai nạo vét hệ thống thoát lũ cầu Ngòi, kênh Chà Là, Tân Du Thượng (Bảo An) với tổng chiều dài trên 13 km; xây dựng hệ thống ống thoát nước chống ngập úng cục bộ với tổng chiều dài 2 km tại các phường Phủ Hà, Đạo Long, Thanh Sơn, Đông Hải.

Để phòng tránh thiệt hại cho bà con trong sản xuất nông nghiệp, Ban chỉ đạo thành phố chỉ đạo các xã, phường tập trung thực hiện gieo trồng, thu hoạch cây trồng đúng lịch, đề phòng lũ lụt xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11 và có kế hoạch vận chuyển đàn gia súc ở các vùng trũng thấp lên vùng cao an toàn; chủ động dự trữ lúa giống, hoa màu cần thiết cho nhu cầu tái sản xuất. Đối với các xã, phường ven biển như: Mỹ Bình, Mỹ Hải, Đông Hải, Mỹ Đông, thành phố chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra trang thiết bị bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền như: Thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu hộ… thực hiện nghiêm chế độ đăng kiểm, đăng ký bảo hiểm tàu thuyền và ngư dân; tổ chức neo đậu tàu thuyền ở cảng bảo đảm an toàn khi có bão lũ xảy ra.

Chị Đậu Thị Lam, Chủ tịch UBND phường Mỹ Hải cho biết: Với địa hình tương đối thấp, phường Mỹ Hải là vùng thường xuyên xảy ra ngập úng. Để chủ động ứng phó, phường đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão gồm 15 thành viên; tổ xung kích gồm 22 người trực tại cơ sở 24/24 giờ, sẵn sàng di dời, bảo vệ về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân”. Rút kinh nghiệm từ cơn lũ “lịch sử” năm 2010, UBND phường đã chỉ đạo các thành viên ban chỉ đạo, trưởng các khu phố trực tiếp xuống từng nhà dân vận động, tuyên truyền về công tác phòng, chống bão lụt, chuẩn bị tư thế sẵn sàng di chuyển khi có thiên tai. Qua kiểm tra, khảo sát thực tế, phường đã lên phương án di dời khoảng 218 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu ở một số vùng trũng thấp quanh khu vực kênh Chà Là trong trường hợp xảy ra bão lũ.

Ông Võ Trọng, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Tp.Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: “Nhìn chung, mọi phương án phòng, chống bão lụt năm nay đã được các địa phương triển khai, chuẩn bị tốt. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất là hiện cả thành phố chỉ có 1 chiếc ca-nô, rất khó ứng phó hiệu quả trong cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra bão lũ”.