56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ:

Ngày 30/3/1954, bắt đầu đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Trong đợt tiến công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 30/3 đến 30/4/1954), phương án tác chiến của ta là đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông, đánh chiếm sân bay Mường Thanh, triệt đường tiếp tế và tiếp viện, thắt chặt vòng vây, từng bước thu hẹp phạm vi chiếm đóng và không phận của phân khu trung tâm. Đợt tiến công này của chiến dịch là quan trọng nhất, dài nhất và ác liệt nhất.

Chủ trương của Đảng ủy mặt trận trong đợt 2 là tập trung ưu thế hỏa lực đánh chiếm các cao điểm phía Đông, trong đó có 5 cao điểm quan trọng là: E, D1 thuộc trung tâm đề kháng Đôminich và các cao điểm C1, C2, A1 thuộc trung tâm đề kháng Eliane.

Quân ta lần lượt chiến thắng tại cao điểm C1, D1, E

Trong cuốn Hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhớ lại:

Đúng 18 giờ ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai của quân đội Việt Nam đánh vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Lần này, quân đội Việt Nam không tiến đánh một vị trí đơn lẻ mà nổ súng tiến công trên toàn mặt trận.

Các cao điểm phía Đông, một số vị trí bảo vệ sân bay ở phía Tây, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động địch chìm trong khói lửa. Cũng như đợt tiến công thứ nhất, suốt nửa giờ đầu, pháo binh địch không thể lên tiếng. Những giờ đầu cuộc chiến đấu tiến triển khá thuận lợi.

Tại cao điểm C1, quân ta lần đầu mở rào bằng đạn phóng bộc lôi. Bộc lôi nổ phá tung từng đoạn rào. Sau 5 phút, Tiểu đoàn 215 của Trung đoàn 98 đã mở cửa qua 7 lần hàng rào dây thép gai. Chớp thời cơ hỏa lực địch đang còn tê liệt, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán hạ lệnh xung phong. Đường dây điện thoại với Trung đoàn bị đứt. Nghe tiếng súng bộ binh nổ trên cứ điểm, Trung đoàn ra lệnh cho pháo chuyển làn. Chỉ bằng một đợt xung phong mạnh, trong 10 phút, Đại đội 38 đã chiếm được chiếc lô cốt nằm trên mỏm đất cao nhất, nhô lên trên đỉnh đồi, được gọi là mỏm Cột Cờ. Tiểu đội trưởng mũi nhọn Nguyễn Thiện Cải cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng lên nóc sở chỉ huy.

Quân Pháp dồn về những lô cốt ở khu vực phía tây, gọi pháo bắn vào trận địa. Các chiến sĩ xung kích dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà. Trận đánh diễn ra đúng 45 phút. Toàn bộ Đại đội 140 lính thuộc Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 4 Ma rốc bị tiêu diệt hoặc bắt sống.

Đồi C2 kế tiếp C1 bởi một dải đất hình yên ngựa. 23 giờ, một Trung đội của Đại đội 35, do Đại đội phó và Chính trị viên chỉ huy, vượt qua yên ngựa đột nhập được một đoạn hào của C2. Trung đội nhanh chóng phát triển chiếm liên tiếp 11 lô cốt và ụ súng. Nhưng lực lượng phía sau qua nhiều lần xung phong đều bị hỏa lực rất mạnh của quân Pháp cản lại. Tiểu đoàn 215 quyết định lui về C1 tiếp tục chuẩn bị tạo điều kiện tiến công C2 ban ngày.

Tại cao điểm D1, thời gian mở cửa đột phá cũng diễn ra nhanh. Chỉ sau 5 phút, ở hướng chính, tiểu đoàn 166 đã phá xong 3 lượt hàng rào và xung phong vào căn cứ.

Bộ đội ta nhanh chóng chọc sâu chia cắt đội hình địch ra từng mảng để tiêu diệt. Tuy nhiên, ở hướng phụ, giao thông hào ta đào đã bị địch lấp mất 50m, Tiểu đoàn 154 tiến vào gặp lầy, mở cửa chậm bị hỏa lực trong đồn khống chế, phải mất gần một giờ mới lọt vào trong đồn. Viên Đại úy Garăngđô (Garandeau), chỉ huy Tiểu đoàn 3 Angiêri, bị pháo vùi chết trong hầm của sở chỉ huy. Sau hai giờ chiến đấu, ta chiếm toàn bộ đồi D1. 20 giờ, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm báo cáo hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đồi D1.

Thừa thắng, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn ra lệnh cho lực lượng dự bị của 209, Tiểu đoàn 130, đánh xuống cao điểm D2.

Tại cao điểm E, pháo ta nổ đúng lúc diễn ra cuộc thay quân giữa một đại đội của Tiểu đoàn 3 Angiêri với đại đội của tiểu đoàn dù 5 tới thay thế theo lệnh của Lănggơle ban sáng. Binh lính với đầy đủ trang bị đang tập trung dọc giao thông hào không có hầm trú ẩn tháo chạy xô vào nhau. Đại đội cối hạng nặng nằm giữa vị trí chưa kịp bắn loạt đạn nào đã bị pháo ta tiêu diệt.

Hai mũi tiến công của Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 428 mở cửa qua hàng rào dây thép gai và bãi mìn nhanh đến mức những loạt đạn bắn chặn của địch đều rơi khá xa phía sau các chiến sĩ xung kích. Sau một giờ xung phong áp đảo quân địch, bộ đội ta chiếm toàn bộ cứ điểm. Anh em khẩn trương tổ chức phòng ngự và dùng súng ĐKZ, đại liên, súng cối chi viện cho mũi thọc sâu của trung đoàn phát triển, đồng thời khống chế trận địa pháo của địch đặt trên cao điểm 210 ở phía dưới. 19 giờ 45 phút, Trung đoàn trưởng Quang Tuyến báo cáo hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đồi E.

Cuộc chiến đấu trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go

Nằm ở phía Đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 là một điểm cao có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh.

Tại đồi A1, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chủ động ra lệnh cho hỏa lực của Trung đoàn bắn vào cứ điểm yểm hộ cho xung kích mở cửa. Một nửa giờ đã trôi qua. Lúc này, pháo binh Pháp đã hồi sức, bắn dữ dội vào cửa mở. Các lô cốt, ụ súng ở tiền duyên dồn đạn về phía các chiến sĩ bộc phá để lùa những ống thuốc nổ phá hàng rào.

Phải mất hơn nửa giờ, hai mũi tiến công của các Tiểu đoàn 251 và 249 của quân ta mới vượt qua 100m rào và bãi mìn lọt vào đồn. Quân Pháp đã dựa vào địa thế tự nhiên của quả đồi, bố trí công trình phòng thủ thành 3 tuyến. Bên ngoài, ở tiền duyên là tuyến chống cự chủ yếu. Tuyến trung gian có đặt trận địa hỏa lực. Trên đỉnh đồi là tuyến cố thủ và Sở Chỉ huy. Trong cứ điểm có nhiều tuyến chiến hào và giao thông hào liên hoàn. Tất cả các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp đậy, chịu được đạn súng cối và pháo. Lực lượng của quân ta đã phải chịu tổn thất nhiều để vượt qua cửa mở.

Lúc này cuộc chiến đấu trên những cao điểm khác đã kết thúc, quân Pháp dồn tất cả hỏa lực đại bác và súng cối vào A1 mong cứu vãn tình hình. Các đợt xung phong của Tiểu đoàn 255 của quân ta cũng không vượt qua hàng rào lửa đại bác. Quá nửa đêm ngày 30/3, cuộc chiến đấu tại A1 vẫn diễn ra giằng co. Mỗi bên giữ được nửa đồi.

Bộ đội ta cắt dây thép gai, đào giao thông hào, lấn sâu vào các cứ điểm của địch. Ảnh tư liệu

Tại Mường Thanh, Lănggơle điên đầu khi thấy hầu hết những ngọn đồi phía Đông nhanh chóng bị tràn ngập. Lănggơle đã nghĩ tới sự thất thủ của khu trung tâm trong đêm. De Castries nêu ý kiến cần tiến hành phản kích ngay. Nhưng Lănggơle thấy dù tình hình ra sao cũng phải đợi đến khi trời sáng. Những cuộc phản kích thất bại đã chứng tỏ không thể đưa một số tiểu đoàn dù đi thẳng đêm thiếu sự yểm hộ của xe tăng và không quân. Không riêng các cao điểm phía Đông bị tiến công, một cứ điểm tiền tiêu của sân bay ở phía Tây, Huguette 7, cũng đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, khẩn cấp yêu cầu tăng viện.

Trên A1 lúc này địch có 3 đại đội, nhưng Đại đội 4 Ma rốc và Đại đội dù Lê Dương 1 hầu như đã mất sức chiến đấu.

Về khuya, đại bác địch càng hoạt động mạnh. Cuộc chiến đấu của bộ đội ta trên những cao điểm phía Đông đã chững lại. Sở chỉ huy nhận định: Bộ đội đã hoàn thành phần quan trọng nhiệm vụ đợt 2, nhưng vẫn chưa chiếm được cao điểm phòng ngự then chốt A1.

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định: Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự trên các cao điểm C1, D1, E, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày, quyết không để địch chiếm lại. Đại đoàn 308 đưa Trung đoàn 102 từ phía Tây sang phía Đông, tiếp tục tiến công tiêu diệt A1 và phòng ngự tại C1. Đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy trận đánh tại A1 và C1. Các Trung đoàn 88, 36 của Đại đoàn 308 chuyển từ nhiệm vụ dương công sang tiêu diệt các cứ điểm 106 và 311 ở phía Tây, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 đánh cứ điểm 105 (Huguette 6) ở phía Bắc, uy hiếp mạnh quân địch tạo điều kiện cho các đơn vị ở khu Đông hoàn thành nhiệm vụ.

Theo TTXVN