Để đưa Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đi vào cuộc sống, Huyện ủy Ninh Sơn đã ban hành Chương trình hành động số 106-CTr/HU ngày 13/12/2021 về thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy; đồng thời, chỉ đạo UBND huyện, các tổ chức cơ sở đảng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế triển khai thực hiện với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo. Qua đó, đạt được những kết quả nhất định.
Về nhiệm vụ xây dựng, quản lý và triển khai Quy hoạch sử dụng đất huyện Ninh Sơn thời kỳ 2021-2025 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm, đồng thời tích hợp với phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được huyện chú trọng thực hiện. Năm 2022, huyện ban hành đề án vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn với 28 vùng chăn nuôi và 58 vùng trồng trọt. Sau khi các tuyến kênh hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đưa vào sử dụng, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng làm cơ sở bố trí phù hợp cho từng đối tượng cây trồng, nhằm tạo đột phá, đẩy nhanh quá trình sản xuất nông nghiệp CNC. Huyện cũng đã huy động, lống ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đường giao thông trục xã đươc nhựa hóa 100%, đường thôn và liên thôn cứng hóa 100%; kênh thủy lợi được nâng cấp, kiên cố hóa; hệ thống điện phủ khắp vùng sản xuất đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Nông dân xã Lương Sơn (Ninh Sơn) ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới. Ảnh: Kim Thùy
Công tác lựa chọn giống và các quy trình, công nghệ sản xuất thực hiện có hiệu quả đã tạo đột phá trong nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Huyện phối hợp với Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha hố, Viện Nghiên cứu cây trồng miền Trung, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lựa chọn đánh giá cây đầu dòng trên cây nho, táo để làm cơ sở cung cấp giống đảm bảo chất lượng; nghiên cứu mô hình nhân giống cây kiệu quy mô 4ha với 5 hộ tham gia. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình thụ tinh nhân tạo trên đàn bò để nâng cao tầm vóc và tỷ lệ máu lai trên 1.400 con.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiên Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của huyện đạt 6,6%/năm, vượt 0,6% so với chỉ tiêu đề ra. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cho giá trị sản xuất trên 1ha canh tác bình quân đạt 500 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho 350 lao động nông thôn có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Có 2 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ứng dụng CNC; 2 hợp tác xã và 8 cơ sở sản xuất ứng dụng CNC; có 20 mô hình sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP với hơn 185ha/217 hộ tham gia đạt chỉ tiêu đề ra. Trong chăn nuôi, tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học. Toàn huyện hiện có 9 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 15 trang trại quy mô vừa và nhỏ; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 37,6% trong cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp.
Trên cơ sở nguồn vốn của trung ương, tỉnh, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; đã triển khai 3 mô hình sản xuất dưa lưới, nho trong nhà kính với diện tích 2,23ha và 1 mô hình chăn nuôi dê với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Đến nay, diện tích nông nhiệp ứng dụng CNC trên địa bàn hơn 113ha, gấp 2,58 lần so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt được những kết quả bước đầu, qua đó nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm, hầu hết sản phẩm được chứng nhận VietGAP tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Huyện phối hợp với ngành chức năng nhân rộng 7 mô hình sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP trên cây táo, bưởi da xanh, xoài và cây ăn quả đặc sản xã Lâm Sơn với diện tích 40ha, nâng diện tích sản xuất tốt đạt hơn 185ha; tiếp tục duy trì cánh đồng lớn sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm hơn 404ha.
Đồng chí Nguyễn Đô, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn, cho hay: Qua thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, huyện rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung liên quan đến nông nghiệp ứng dụng CNC cần được đẩy mạnh, nhất là tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả kinh tế cao bằng nhiều hình thức phù hợp để các cấp, các ngành hiểu rõ và tạo động lực tham gia. Chú trọng thu hút đầu tư, có chính sách phù hợp để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, gắn chặt giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Huyện Ninh Sơn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt từ 120-150ha; nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt 40% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh gắn với thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu. Để thực hiện đạt mục tiêu, huyện đề ra giải pháp đẩy mạnh tuyên tuyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vài trò, tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng CNC trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó chuyển đổi nhanh phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, thiếu bền vững sang sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, năng suất, giá trị kinh tế cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là việc chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quy hoạch vùng. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC như: Mô hình cánh đồng lớn, mô hình tưới tiết kiệm nước, mô hình bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo... Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức đánh giá thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên từng vùng, từng địa phương để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp CNC; nghiên cứu các đề tài khoa học có tính ứng dụng cao để chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, giống mới vào sản xuất.
Anh Tùng