Ông Châu Tím, Bí thư Chi bộ thôn Thành Tín cho biết: Toàn thôn hiện có 1.000 hộ dân, với 5.400 nhân khẩu đồng bào Chăm. Đời sống địa phương dựa vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng và nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa cho năng suất đạt bình quân 7 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, bà con còn có 180ha đất sản xuất rau màu, măng tây xanh mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, bà con còn đầu tư phát triển chăn nuôi các loại gia súc có sừng như: Bò, dê, cừu theo hướng trang trại, gia trại với tổng đàn gần 2.000 con. Nhờ đó, kinh tế của bà con đã có nhiều chuyển biến đáng kể, đời sống ngày càng được cải thiện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,6%. Trong thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM), những năm qua, đồng bào Chăm Thành Tín đã tích cực tham gia hiến trên 1.000m2 đất, đóng góp ngày công và 500 triệu đồng để xây dựng sân vận động, nhà truyền thống; vận động được 50 triệu đồng để bê tông các tuyến đường nội thôn, nội đồng phục vụ đi lại và sản xuất của người dân; vận động được 11 triệu đồng để lắp đặt bóng đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường ở khu dân cư với chiều dài khoảng 2km; xây dựng các tuyến đường hoa trong khu dân cư với kinh phí 60 triệu đồng... Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, trên 90% các tuyến đường nội thôn, nội đồng được bê tông; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới, nước hợp vệ sinh...
Thôn văn hóa Thành Tín, xã Phước Hải (Ninh Phước) ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Chia tay thôn Thành Tín chúng tôi đến làng Chăm Tuấn Tú, khu dân cư đồng bào Chăm có đời sống kinh tế phát triển của xã NTM nâng cao An Hải. Bà Kiều Thị Khuê, Bí thư Chi bộ thôn Tuấn Tú cho biết: Toàn thôn hiện có 556 hộ, với 2.200 nhân khẩu, đời sống của người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Nhưng năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn chỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất. Đặc biệt, từ khi được các cấp, ngành, địa phương quan tâm xây dựng vùng trồng rau an toàn, đưa các giống cây trồng có giá trị vào trồng và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: Mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... đã mang lại hiệu quả cho người dân. Đến nay, toàn thôn đã phát triển được 1 cánh đồng trồng măng tây xanh, với diện tích 65ha, theo hướng liên kết, mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, người dân có thu nhập ổn định từ 200-300 triệu đồng/năm.
Không chỉ chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, đồng bào Chăm Tuấn Tú luôn phát huy tinh thần, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Đặc biệt, trong xây dựng NTM, thôn Tuấn Tú đã huy động trên 18 tỷ đồng thực hiện các hạng mục phát triển kinh tế - xã hội khu dân cư, tạo diện mạo NTM khởi sắc. Đến nay toàn thôn đã bê tông được 3km đường trục chính và trên 9km đường làng, ngõ xóm khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Ngoài ra, còn vận động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp được 572 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các trục đường giao thông trong thôn; tu sửa lại sân bóng đá của thôn, trồng hoa dọc các tuyến đường... Đến nay, 100% hộ dân sử dụng điện lưới, nước sạch sinh hoạt; 100% con em trong thôn đều đến trường đúng độ tuổi; hơn 95% đường giao thông và kênh mương nội đồng đã được bê tông, giúp việc đi lại sản xuất của bà con thêm thuận lợi; tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống còn 0,91%.
Để bà con vui đón Ramưwan năm 2024 với tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Ban Quản lý thôn đã phối hợp với các đoàn thể địa phương tổ chức văn nghệ, giao lưu bóng đá, bóng chuyền và các trò chơi dân gian phục vụ người dân.
Tiến Mạnh