Theo ghi nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong tháng 1/2024, mặc dù Việt Nam giữ vị trí top 11 toàn cầu về tổng số lượt tải trên thiết bị di động, tuy nhiên mức chi tiêu cho các dịch vụ qua nền tảng (revenue in app-purchase) đang tạm ước đạt 31,5 triệu USD, xếp thứ 34 quốc gia có doanh thu trên các ứng dụng cao nhất toàn cầu, chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines).
Các ứng dụng di động (app) ngày càng được người Việt sử dụng.
Trong tháng 1/2024, có 6 ứng dụng di động có số lượng người dùng trên 10 triệu (Zalo, Zing Mp3, Báo mới, Ví MoMo, VnEID và MB Bank).
Ngoài ra, có 11 ứng dụng có số lượng người dùng từ 5-10 triệu, trong đó chủ yếu là các ứng dụng ngân hàng, phục vụ thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, VNeID và VssID tiếp tục là 2 nền tảng số quốc gia do cơ quan Nhà nước triển khai xây dựng lọt vào top này.
Với số lượng người dùng đông đảo, Zalo nằm trong danh sách nhóm 200 ứng dụng có số lượng người dùng lớn nhất thế giới (sau các “đại gia” công nghệ như Google, Whatsapp, Facebook (Meta)… đến từ Hoa Kỳ, ByteDance- Trung Quốc và Samsung- Hàn Quốc).
Như vậy, có thể thấy, các ứng dụng số đã thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, để phổ cập được rộng rãi, từ thực tiễn triển khai các ứng dụng hiện nay cho thấy, sự thành công đến từ việc tiếp cận theo 2 hướng: Đi từ các nhu cầu cơ bản, sở thích và đặc trưng văn hóa của người Việt (nhu cầu giải trí, nhu cầu thể hiện bản thân… có sử dụng ngôn ngữ Việt hoặc đáp ứng văn hóa Việt như ca nhạc, tin tức) hoặc đi từ các quy định, chính sách quản lý, thúc đẩy của cơ quan Nhà nước (như cung cấp dịch vụ có điều kiện, dịch vụ công…).
Tuy nhiên, việc sử dụng ứng dụng miễn phí cũng được Cục An toàn thông tin phát đi cảnh bảo luôn phải cẩn thận bởi liên quan đến thu thập dữ liệu người dùng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức