Đến thăm gia đình ông Hứa Phơi, Trưởng ban Quản lý thôn Phước Nhơn 3, ông vui vẻ cho biết: Ramưwan năm nay diễn ra trong 3 ngày từ ngày 9 đến 11/3, đây là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên và cầu mong mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc. Mấy năm nay, nhờ có nguồn nước dồi dào từ kênh Bắc và hệ thống đường ống thủy lợi Tân Mỹ nên hoạt động sản xuất gặp nhiều thuận lợi hơn, bà con đón Ramưwan thêm phần vui tươi, phấn khởi. Đặc biệt, để tạo hình ảnh đẹp cho đường làng, ngõ xóm, thôn đã vận động được 27 triệu đồng để treo cờ Tổ quốc và trồng hoa trên tuyến đường chính dài khoảng 1km, tổ chức vệ sinh sân vận động làm nơi tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao.
Bà con đồng bào Chăm xã Xuân Hải mua sắm đón mừng Ramưwan.
Toàn xã Xuân Hải hiện có 5.468 hộ/19.458 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Chăm chiếm trên 50% dân số, cuộc sống gắn liền với trồng trọt và chăn nuôi. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Nhà nước, hỗ trợ của chính quyền các cấp, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Phát huy tiềm năng về lợi thế về nông nghiệp, cấp ủy đảng, chính quyền xã tập trung lãnh đạo nhân dân khai thác hiệu quả đất đai, từng bước khắc phục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác. Kết quả nổi bật trong tổ chức sản xuất đó là từ khâu làm đất đến khi thu hoạch đều được cơ giới hóa hoàn toàn, các hộ đồng bào Chăm áp dụng hiệu quả mô hình cánh đồng lúa lớn khoảng 300ha, liên kết với Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Dịch vụ nông nghiệp An Xuân, cho năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha/vụ và có đầu ra ổn định. Đáng chú ý hơn, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều nông hộ có diện tích lúa xa nguồn nước, vùng gò đồi mạnh dạn chuyển sang cây trồng ngắn ngày trên 11ha, hình thành các mô hình có giá trị kinh tế cao như: Mô hình trồng ớt, dưa hoàng kim, rau đậu, cỏ chăn nuôi. Bên cạnh đó, nông dân còn đầu tư phát triển chăn nuôi, với tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có khoảng 37.700 con; các mô hình nuôi bò sinh sản, dê, cừu vỗ béo ngày càng được nhân rộng, nhiều hộ gia đình còn làm nghề buôn bán thuốc Nam, mở tạp hóa kinh doanh cho thu nhập cao. Nhờ thay đổi nhận thức, chí thú làm ăn, đời sống người dân có sự chuyển biến đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm, toàn xã chỉ còn 25 hộ nghèo.
Trong không khí hân hoan đón Ramưwan, người dân càng tự hào trước diện mạo quê hương đang đổi thay từng ngày, thể hiện qua những con đường bê tông, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, hệ thống thủy lợi, trường, trạm từng bước được xây mới. Chị Tài Thị Kim Trúc, thôn An Nhơn, phấn khởi: Vùng quê Xuân Hải hôm nay đã thực sự khởi sắc, bà con hăng say thi đua lao động sản xuất, đời sống gia đình đã được cải thiện hơn trước, hộ nào cũng có điều kiện mua sắm tivi, xe máy, sửa sang nhà cửa... Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cộng đồng người Chăm không chỉ chú trọng làm ăn mà còn phát huy tinh thần đoàn kết tham gia các hoạt động, phong trào do xã phát động, nhiều hộ tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, tạo cảnh quan thôn xóm “xanh - sạch - đẹp”; một số phong trào tiêu biểu như “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học”... được người dân đồng tình hưởng ứng. Đến cuối năm 2021, xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; qua đó, cho thấy tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong quá trình góp sức cùng với chính quyền xã thực hiện thành công chương trình.
Ông Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, cho biết: Hòa chung không khí vui đón mừng Ramưwan, địa phương cũng tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng các gia đình chức sắc, gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn xã; động viên đồng bào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền người dân vui đón Ramưwan với tinh thần tiết kiệm, đoàn kết, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
Hồng Lâm