I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
- Thực hiện các đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đồng bộ, toàn diện, tập trung với tần xuất cao nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường; đặc biệt là vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục trên trâu bò, Dại chó, mèo.
- Hạn chế và ngăn chặn sự phát sinh và lây lan dịch bệnh động vật; ngăn ngừa bệnh động vật lây sang người, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng động, môi trường và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi.
2. Yêu cầu
- Tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật từ tỉnh đến cơ sở.
- Tổ chức phun xịt hóa chất, rãi vôi tiêu độc, khử trùng có trọng điểm, những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; trước khi phun hóa chất sát trùng, rãi vôi phải làm sạch đối tượng tiêu độc, khử trùng bằng biện pháp cơ học (phát quang, quét dọn, cạo, cọ rửa...).
- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và các phương tiện, dụng cụ trong quá trình tiêu độc, khử trùng. Người tham gia thực hiện phải được trang bị dụng cụ, bảo hộ lao động như: Bình bơm, khẩu trang, ủng,... và được trang bị kiến thức về vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật; đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
II. Nội dung thực hiện
1. Thời gian triển khai thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng
Căn cứ văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm thực tế của các địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn tỉnh năm 2024 theo từng đợt cụ thể.
2. Nội dung, tần suất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng
Theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó tập trung những nội dung sau:
a) Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm:
- Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung:
+ Phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh khu vực chuồng nuôi, quét dọn, thu gom phân, rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; định kỳ rãi vôi bột đường đi, lối ra, vào và xung quanh chuồng nuôi.
+ Rãi vôi lối ra vào cơ sở chăn nuôi, xung quanh các dãy chuồng; phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại, dụng cụ, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận theo lịch của cơ sở và từng đợt phát động của địa phương với tần suất ít nhất mỗi tuần 1 lần.
+ Vệ sinh, tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, thức ăn,... và con người trước khi ra, vào cơ sở chăn nuôi.
- Đối với chăn nuôi hộ gia đình:
+ Phải nhốt gia súc, nhất là heo nuôi thả rông. Quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân, rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn.
+ Rãi vôi, phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận định kỳ và từng đợt phát động của địa phương, với tần suất ít nhất mỗi tuần 1 lần.
+ Vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống,... và phương tiện, dụng cụ vận chuyển gia súc, gia cầm sau mỗi lần sử dụng.
- Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm: Quét dọn sạch sẽ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy, phun thuốc tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở, các vật dụng có liên quan, phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở; và từng đợt phát động của địa phương, với tần suất ít nhất mỗi tuần 1 lần.
- Đối với các cơ sở nuôi chim Yến: Vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần bằng thuốc Virkon-S, không sử dụng chất khử trùng làm ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến.
b) Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm:
- Nơi nhốt động vật chờ giết mổ: Sau khi động vật đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực phải được vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc tiêu độc, khử trùng.
- Nơi giết mổ: Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất.
- Phương tiện, dụng cụ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ.
c) Địa điểm thu gom, chợ buôn bán gia súc, gia cầm:
- Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực bán gia súc, gia cầm và các vật dụng liên quan sau mỗi buổi chợ.
- Phương tiện, dụng cụ vận chuyển, lồng nhốt động vật phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ, nơi thu gom.
- Những quầy bán thịt gia súc, gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng cuối mỗi buổi chợ.
- Quét dọn và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt.
d) Khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom chất thải của động vật: Vệ sinh tiêu độc khử trùng sau khi hoàn thành việc xử lý chôn lấp và theo các đợt phát động của địa phương, với tần suất ít nhất 1 tuần/lần.
đ) Trạm, Chốt kiểm dịch động vật: Tiêu độc, khử trùng đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm kiểm dịch.
e) Chốt kiểm soát ổ dịch: Tiêu độc, khử trùng hàng ngày đối với phương tiện vận chuyển đi qua chốt trong thời gian có dịch.
g) Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm: Phát động toàn dân thực hiện đợt tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đường phố; khơi thông cống rãnh; phát quang bụi rậm; rãi vôi, phun thuốc tiêu độc, khử trùng với tần suất ít nhất mỗi tuần 1 lần.
h) Nơi thu gom rác thải, phương tiện vận chuyển rác thải:
- Tất cả các dung cụ, phương tiện thu gom rác thải từ hộ dân, chợ, nơi công cộng,... được thu gom đến nơi tập kết rác thải tiến hành tẩy rửa sạch sẽ, phun hóa chất tiêu độc khử trùng sau mỗi ca làm việc hàng ngày.
- Đối với xe chuyên dụng, phương tiện vận chuyển rác về nhà máy rác của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận, tiến hành tẩy rửa sạch sẽ sau khi xuống rác và phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ xe trước khi ra khỏi nhà máy.
i) Đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị thu giữ:
- Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
- Quét dọn và phun thuốc khử trùng và rãi vôi bột toàn bộ bề mặt khu vực nhốt, giữ động vật ngay sau mỗi đợt tiêu hủy, hố chôn động vật, sản phẩm động vật tiêu hủy; phân, rác thải phải được xử lý chôn hoặc đốt.
III. Cách thức tiến hành
1. Các bước thực hiện tiêu độc, khử trùng
Tất cả các khu vực khi tiến hành tiêu độc, khử trùng phải thực hiện theo hai bước: Dọn vệ sinh cơ giới trước, sau đó tiến hành phun hóa chất hoặc rãi vôi để tiêu độc, khử trùng.
- Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở ấp trứng gia cầm; đội vệ sinh công cộng chủ động vật tư, kinh phí; tổ chức, bố trí lực lượng làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn về thú y.
- Các xã, phường, thị trấn tổ chức đội phun thuốc sát trùng, rãi vôi cho khu vực chợ buôn bán gia súc, gia cầm ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm; nơi tập kết rác thải; có thể cấp phát hóa chất, vôi đối với hộ chăn nuôi gia đình để tự phun xịt với sự giám sát của Ban chỉ đạo các địa phương. Việc phun thuốc sát trùng, rãi vôi chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới (phát quang, quét dọn, cọ, rửa sạch sẻ,…).
- Phương tiện, hóa chất, vôi, bảo hộ lao động cho công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng như: Bình bơm, quần áo bảo hộ, ủng, găng tay, khẩu trang, hóa chất khử trùng,... phải được kiểm tra, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu và chuẩn bị đầy đủ trước ngày triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
2. Lực lượng tham gia
Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố huy động lực lượng người dân trên địa bàn tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm thành lập các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tập trung cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu. ..Trong đó, nồng cốt là lực lượng đã, đang tham gia tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; công nhân của các đội vệ sinh Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cử cán bộ về các địa bàn để chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ tiêu độc, khử trùng.
IV. Kinh phí thực hiện
Kinh phí vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2024 thực hiện theo quy định hiện hành; trong đó:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ thuốc sát trùng (hóa chất Benkocid) cho các địa phương để tổ chức thực hiện theo quy định (các địa phương liên hệ trực tiếp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để được cấp phát kịp thời).
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách của các huyện, thành phố mua vôi, dụng cụ,... để tổ chức thực hiện tiêu độc, khử trùng đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
3. Các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở ấp trứng gia cầm; đội vệ sinh công cộng tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn về thú y.
V. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Căn cứ tình hình dịch tễ, dịch bệnh gia súc, gia cầm thực tế của các địa phương, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phát động triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2024”.
- Kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh”; tổng hợp báo cáo kết quả; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp thuốc sát trùng cho các địa phương; hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tiêu độc, khử trùng tại các địa phương.
2. Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở tích cực tham gia và hướng dẫn người dân làm vệ sinh, thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; kịp thời xử lý tốt các tình huống bất thường xảy ra trong quá trình thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, hướng dẫn, đôn đốc làm vệ sinh, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời các tình huống bất thường xảy ra đối với môi trường trong quá trình sử dụng hóa chất tiêu độc, khử trùng.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm; vai trò, tác dụng, lợi ích của công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và trách nhiệm của mỗi tổ chức, người dân trong phòng, chống dịch bệnh, để mọi người dân hiểu đúng, thấy được trách nhiệm của mình và tích cực tham gia thực hiện.
5. Các Sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung của kế hoạch này và tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cụ thể trên địa bàn tỉnh.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể
chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng Nhân dân tích cực tham gia thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chịu trách nhiệm toàn diện, trực tiếp trong việc huy động lực lượng, tổ chức triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn quản lý.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp nhận thuốc sát trùng (hóa chất Benkocid) từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y và chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách huyện để tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn huy động đủ số lượng người theo yêu cầu của công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại địa phương. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện hàng tuần (vào thứ 4 hàng tuần trong tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng) và kết quả thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo địa chỉ email: nhduyen.ccty@ninhthuan.gov.vn) chậm nhất sau 07 ngày kể từ ngày kết thúc tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức các đội phun thuốc sát trùng khu vực chợ buôn bán gia súc, gia cầm ở nông thôn, nơi tập kết rác thải, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm,...
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện; trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định./.
NT