Chuyển đổi số, tạo động lực phát triển

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống nhân dân, thời gian qua, tỉnh ta tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện công tác chuyển đổi số (CĐS) trên các lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân ở vùng khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có nhiều nỗ lực, đẩy mạnh CĐS trên các mặt hoạt động. Theo đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT: Thực hiện nhiệm vụ CĐS, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS đồng bộ cả về quản lý giáo dục, quản trị nhà trường và đổi mới phương thức, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá trên nền tảng công nghệ. Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL), các nền tảng số quản lý giáo dục, quản trị trường học từng bước được xây dựng, triển khai đồng bộ, thống nhất, phục vụ đầy đủ mọi đối tượng từ cán bộ quản lý, đến giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham quan Trung tâm Điều hành đô thị thông minh Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Minh Hà

Qua thực hiện các nội dung CĐS, đến cuối tháng 11/2023, ngành GD&ĐT có tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt 93,3%, tăng 23,3%; tỷ lệ thu học phí không dùng tiền mặt đạt 59,63%, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, ngành GD&ĐT đã hoàn thành thiết kế kiến trúc số liên thông trong toàn ngành bằng hệ chương trình quản lý giáo dục Ninh Thuận và tiếp tục nâng cấp, tích hợp các nền tảng khách để hình thành sinh thái số; đã hoàn tất việc cập nhật CSDL và thường xuyên cập nhật, bổ sung dữ liệu trong hệ chương trình quản lý giáo dục; hệ thống này đã kết nối, xác thực dữ liệu với CSDL của Bộ GD&ĐT. Ngành cũng cơ bản hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; hoàn thành 2 sản phẩm CĐS, vượt 1 sản phẩm so với chỉ tiêu.

Phát huy sức trẻ trong CĐS và thực hiện chủ đề năm 2023: “Năm CĐS các hoạt động của Đoàn”, các cấp bộ đoàn trong tỉnh triển khai nhiều công trình, phần việc thiết thực, góp phần thúc đẩy CĐS tại địa phương. Nổi bật là việc xây dựng, công bố Bản đồ số địa chỉ đỏ Ninh Thuận, chứa thông tin 14/15 di tích lịch sử cấp tỉnh. Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tiên phong trong CĐS, trong năm 2023, các cấp bộ đoàn tổ chức 130 đợt ra quân tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hơn 8.000 thanh niên và người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, cách thức đăng ký tài khoản, thực hiện các dịch vụ công (DVC) trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt; 100% đoàn cấp xã tham mưu triển khai hiệu quả đội hình Tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, khu phố; thành lập 208 đội hình/958 đoàn viên, thanh niên phối hợp với lực lượng công an, UBND cấp xã tổ chức các nhóm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, rà soát, hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn CĐS cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp...

Hiện nay, hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G trên địa bàn tỉnh được phủ đến 100% thôn, khu phố. Tỉnh cũng đã lắp đặt và phát thử nghiệm 75 vị trí trạm 5G trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng số tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh để quản lý, tối ưu hóa hạ tầng máy chủ và thiết bị mạng, đảm bảo duy trì hoạt động thông suốt, ổn định, ngăn ngừa các cuộc tấn công từ bên ngoài, khai thác sử dụng 24/7, hạn chế tối đa việc mất an toàn thông tin và dữ liệu. Phát triển nền tảng số, đi đôi với xây dựng, vận hành các nền tảng dùng chung, toàn tỉnh có hơn 41 phần mềm, CSDL quản lý chuyên ngành để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, cơ quan, đơn vị. Đơn cử như ngành Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng CSDL đất đai của 18 xã, phường, từng bước cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp...

 Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số. Ảnh: Văn Nỷ

Phát triển chính quyền số, Cổng DVC của tỉnh triển khai 829 DVC trực tuyến (334 DVC trực tuyến toàn trình và 495 DVC trực tuyến một phần); đã đồng bộ trạng thái và tích hợp 812 DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia, đạt 97,95%; có 484 thủ tục hành chính được thanh toán trực tuyến. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Công ty Cổ phần FPT triển khai xây dựng phần mềm Smart Ninh Thuận để phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Những nỗ lực và kết quả quan trọng bước đầu đạt được từ CĐS đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đây cũng là động lực, là nền tảng để các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân toàn tỉnh tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả CĐS trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển bền vững.