Khoa học và công nghệ tạo đột phá mới

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 10/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. KH&CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để sớm đưa Nghị quyết số 14-NQ/TU vào cuộc sống, ngay từ đầu nhiệm kỳ UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới nghiên cứu triển khai thực hiện. Thực hiện các nhiệm vụ mà nghị quyết và UBND tỉnh đề ra, Sở KH&CN tổ chức quản lý triển khai 38 nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN có hiệu quả, đồng thời tham mưu UBND tỉnh đề xuất đặt hàng 11 nhiệm vụ cấp quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2023. Các nhiệm vụ được triển khai thực hiện bám sát với chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên đáp ứng được yêu cầu thực tế, phục vụ phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đơn cử, kết quả nghiên cứu về hiện trạng, dự báo diễn biến đa dạng sinh học, chất lượng các thành phần môi trường tại tỉnh Ninh Thuận đã cung cấp số liệu phục vụ nhiều dự án trọng điểm của tỉnh như: Quy hoạch điện gió, dự án cảng Dốc Hầm - Cà Ná...

Nhân viên Công ty TNHH Nước mắm Cana kiểm soát chất lượng sản phẩm nước mắm trước khi sản xuất ra thị trường. Ảnh: Văn Nỷ

Nghị quyết số 14-NQ/TU đi vào cuộc sống mang đến luồng gió mới, đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học, qua đó tiềm lực KH&CN của tỉnh được tăng cường đáng kể từ phát triển đội ngũ cán bộ đến đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tổ chức KH&CN do bộ, cơ quan trung ương quyết định thành lập, 19 đơn vị sự nghiệp có hoạt động KH&CN do địa phương trực tiếp quản lý hoạt động trên các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, y dược, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên. Từ năm 2021 đến nay, có 1 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN, nâng tổng số DN KH&CN lên 2 DN (Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam). Đội ngũ trí thức KH&CN của tỉnh đến nay có 737 người; trong đó, 5 tiến sĩ, 114 thạc sĩ, 569 đại học, cao đẳng và 49 trình độ khác. Đây là lực lượng nòng cốt đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của tỉnh, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn vừa qua.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố theo dõi quá trình sinh trưởng của giống nho mới.Ảnh: D.Linh

Công tác chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất bước đầu tạo chuyển biến tích cực, đã có 28 kết quả KH&CN được các sở, ngành, địa phương ứng dụng vào thực tiễn. Qua đó, tác động làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các tổ chức kinh tế, DN, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm hàng hóa, trình độ công nghệ trong DN. Đến năm 2023, có 2 vùng sản xuất tập trung đáp ứng các điều kiện, tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động có hiệu quả, gồm: 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản.

Trước thềm năm mới, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, Công ty Cổ phần Nắng và Gió; Công ty TNHH Việt Úc - Ninh Thuận đón nhận niềm vui được UBND tỉnh công nhận DN nông nghiệp công nghệ cao. Công ty Hạo Phương - Đại Ninh, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, Công ty TNHH Việt Úc - Ninh Thuân, Công ty Segull-ADC là những DN lớn ngoài tỉnh làm hạt nhân của chuỗi liên kết giá trị nông sản. Nhiều DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây, con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất ở quy mô lớn.

 

Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Ảnh: Văn Nỷ

Đáng chú ý, lĩnh vực trồng trọt nhờ ứng dụng hiệu quả KH&CN đã giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống; đồng thời, tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây ăn quả đạt giá trị kinh tế cao. Trong nghiên cứu phát triển cây nho đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất các giống nho mới, xây dựng quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến, đã góp phần chủ yếu trong việc đưa cây nho trở thành cây trồng đặc trưng của tỉnh. Đối với nuôi trồng, khai thác thủy sản đã nghiên cứu thử nghiệm các quy trình nuôi, sinh sản nhân tạo, điều trị bệnh, đa dạng hóa đối tượng nuôi mới, đóng vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy nuôi trồng, khai thác thủy sản trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế chủ đạo của tỉnh. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thâm canh, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, hữu cơ, công nhệ nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới tiết kiệm nước... được nhân rộng với diện tích hàng nghìn ha trên các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: Nho, táo, măng tây xanh, bưởi da xanh... Đến nay, ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức kiểm tra, cấp 28 giấy xác nhận mã số vùng trồng với diện tích 281,83ha; trong đó, có 4 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 51,3ha, 24 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa với diện tích 230,53ha.

Thêm một mùa xuân mới lại về, kỳ vọng KH&CN tiếp tục khẳng định vai trò là đột phá chiến lược, là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.