Lễ hội Khai ấn đầu xuân tại Đền thờ Đức Thánh Trần, phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã được tổ chức đầu tiên vào tết Nguyên đán năm 2015 nhưng với quy mô nhỏ và hình thức đơn giản nên chưa thu hút sự quan tâm của người dân địa phương. Sau nhiều năm gián đoạn do nhiều nguyên nhân khách quan, năm nay nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cùng với sự kiện Đền thờ Đức Thánh Trần được UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đầu tư trùng tu tôn tạo trang nghiêm, bề thế. Lễ hội Khai ấn Đền Trần được khôi phục với sự đầu tư, cải tiến về nội dung và hình thức phong phú hơn, được xem là một trong những điểm nhấn về văn hóa tinh thần mừng Đảng, mừng xuân của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung, là địa chỉ để người dân địa phương tìm đến tham quan, du xuân trong những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn.
Nhằm giúp người dân hiểu rõ nội dung chủ yếu của Lễ hội Khai ấn Đền Trần, Ban Quản lý Di tích Đền thờ Đức Thánh Trần xin giới thiệu tóm tắt về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội này.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần là một tập tục có từ thế kỷ XIII dưới triều đại nhà Trần, là nghi lễ tế tổ tiên tiền nhân được thực hiện tại Phủ Thiên Trường là nơi thờ các Vua Trần, bắt đầu từ giờ Tý tháng Giêng hằng năm.
Lễ hội Khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ trời đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn tiền nhân dựng nước, giữ nước. Đồng thời, đây là dịp nhà vua ban tước lộc cho những quan quân có công với đất nước và ban phước lộc cho thần dân nhân đầu xuân mới.
Ấn Đền Trần có khắc các dòng chữ “Trần triều tự điển” và “Tích phúc vô cương” theo kiểu chữ triện trên bảng gỗ hình vuông.
Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” mà Vua Trần ban cho thần dân là mong muốn muôn dân làm việc thiện tích đức, lan rộng cái phúc, dạy dỗ trăm họ giữ gìn gia phong, kỷ cương, đạo đức; phải tích phúc cho thật tốt, thật nhiều thì mai sau lộc hưởng mới bền vững.
Ấn được đặt tài đền Cổ Trạch - là Đền thờ Đức Thánh Trần (là tên thần hóa anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Vào giờ khai ấn, các bô lão đi đầu và 14 cháu thiếu nữ đội 14 mâm hoa quả, là lễ vật dâng cúng 14 vị Vua Trần, rước hòm ấn từ đền Cổ Trạch sang đền Thiên Trường - là đền thờ 14 vị Vua Trần để tiến hành nghi thức khai ấn. Tại đây một vị trưởng lão đóng dấu ấn có mực son đỏ trên các mẫu giấy màu vàng có sẵn dấu ấn các hàng chữ có nội dung trị quốc an dân, trừ tà trị bệnh, gọi là “Trấn Trạch Trần Triều”, thể hiện phúc lộc của Vua Trần ban cho thần dân với mong muốn đất nước thái bình, thịnh trị, mọi người bước sang năm mới bình an, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt.
Để phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của địa phương, ở tỉnh ta Lễ hội Khai ấn tại Di tích Đền thờ Đức Thánh Trần, phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thực hiện vào buổi sáng đầu năm mới tết Nguyên đán, có ý nghĩa là một hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc diễn ra trong ngày đầu năm mới để nhân dân địa phương đến viếng Đền thờ Đức Thánh Trần, xin ấn, với lòng thành kính và cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu năm mới là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc, vừa thể hiện lòng thành kính biết ơn tiền nhân dựng nước và giữ nước, vừa là sự cầu mong một năm mới đất nước thanh bình, mọi người, mọi nhà được hưởng nhiều phúc lộc và an lành, vạn sự như ý, bách sự hanh thông.
Nguyễn Ngọc Minh