Là hộ có diện tích trồng trầu lớn nhất trong thôn Đắc Nhơn, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung đang thoăn thoắt xếp đếm lá trầu cho thương lái để kịp chuyến hàng buổi sáng sớm chị Dung chia sẻ: Nhà tôi trồng trầu tới nay đã được 20 năm. Ban đầu chỉ trồng bán bỏ mối cho các chợ nhỏ trên địa bàn, nhưng sau này nhu cầu mua lá trầu càng nhiều, giá trị kinh tế từ cây trầu mang lại cũng cao hơn so với các cây trồng khác nên gia đình tôi mở rộng diện tích trồng trầu lên 1,5 sào. Trồng trầu một tháng hái lá 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày, được thương lái tới nhà thu mua trực tiếp bán đi các tỉnh lân cận. Đặc biệt là vào tháng Chạp, trầu bán rất chạy do nhu cầu của người mua tăng cao, phục vụ nhu cầu cúng, giỗ nên giá trầu tăng gấp đôi so với ngày thường. Trầu khi bán được tính theo đơn vị lá, hiện tại trầu Tết có giá 250.000 đồng/15 liễn (1 liễn 40 lá). Đợt này trầu phát triển tốt, thu được lá trầu to, đẹp, xanh nên có năng suất, tôi bán được khoảng 15 triệu đồng.
Nông dân thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch trầu Tết bán với giá cao.
Không nằm ngoài sự tất bật, hối hả, chị Bùi Thị Sen, ngụ cùng thôn cũng vừa thu hoạch xong 200m2 trầu cho biết: Tôi kế thừa vườn trầu do cha mẹ để lại, tuy diện tích nhỏ nhưng trồng trầu không tốn nhiều công và chi phí, cây trầu cho thu hoạch quanh năm đem lại nguồn thu nhập ổn định hằng tháng cho gia đình từ 2-3 triệu đồng. Người trồng trầu như chúng tôi chỉ mong đến dịp Tết, vì Tết giá trầu tăng gấp đôi, cao điểm là từ ngày 26 đến 29 Tết, thương lái báo giá 400.000 đồng/15 liễn, vì vậy bà con trồng trầu rất phấn khởi.
Hiện nay, diện tích trồng trầu trên địa bàn xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) chỉ còn khoảng 1ha, tập trung chủ yếu ở thôn Đắc Nhơn. Nghề trồng trầu trong khu dân cư ở đây đã có rất lâu đời, mỗi hộ gia đình trồng với diện tích vài trăm m2 đến 1,5 sào, vì cho thu nhập khá ổn định nên nhiều hộ quyết tâm giữ vững nghề trồng trầu.
Kim Thùy