Đào tạo nghề, giải quyết việc làm thúc đẩy kinh tế phát triển

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì, đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho người lao động (NLĐ), giúp NLĐ tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhiều chương trình, chính sách mới trong lĩnh vực lao động (LĐ), việc làm đã được tỉnh ban hành và triển khai, gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ kế hoạch thực hiện chương trình việc làm của tỉnh từng giai đoạn để xây dựng, ban hành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm của địa phương. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tập trung vào các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; hỗ trợ phát triển thị trường LĐ; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, LĐ nông thôn, đối tượng chính sách... học nghề, tìm kiếm việc làm; vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm nhằm tăng thêm cơ hội làm việc cho NLĐ trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động tư vấn xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: M.Thương

Cùng với giải quyết việc làm và xuất khẩu LĐ, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cùng với cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án tại tỉnh; phát triển nhanh, đa dạng, hiệu quả một số ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: Du lịch, vận tải, thương mại, viễn thông, y tế chất lượng cao... góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐ nông thôn nhằm tạo việc làm bền vững.

Trong giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 48.147 LĐ, bình quân mỗi năm trên 16.000 LĐ, đạt 60,2% so mục tiêu nghị quyết nhiệm kỳ đề ra. Giải quyết 362 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tốc độ tăng bình quân 3 năm 38,3%/năm. Trong 3 năm, dạy nghề cho 27.104 LĐ, nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đến cuối năm 2023 lên 65,4%, tăng 5,2% so năm 2020, trong đó LĐ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%, tăng 4,9% so năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2022-2025, từng bước đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đến cuối năm 2023, có 141.291 LĐ, đạt 58% làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá, GRDP bình quân tăng 9,4%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, gấp 1,5 lần so năm 2020, bằng 78,9% mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 7,82% năm 2021 xuống còn 4,43% năm 2023.

Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 33%; năm 2024, giải quyết việc làm mới 16.000 LĐ, trong đó đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 150 LĐ; tuyển mới đào tạo nghề cho 9.500 người...

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển thị trường LĐ linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện các giải pháp để kết nối cung - cầu LĐ, thúc đẩy tạo việc làm năng suất, việc làm bền vững cho NLĐ. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường LĐ; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường LĐ.

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa toàn diện, đồng bộ; thường xuyên cập nhật và tiếp thu công nghệ tiên tiến của các nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ đào tạo kiến thức nghề, kỹ năng nghề mà còn chú trọng đào tạo văn hóa nghề, tác phong công nghiệp cho NLĐ... Phấn đấu tỷ lệ LĐ qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt mục tiêu đề ra.