Giám đốc ISRO - ông S. Somanath cho biết, trong năm 2024, tổ chức này đặt mục tiêu thực hiện ít nhất 12 sứ mệnh và nếu điều kiện cho phép thì con số này có thể chưa phải là cuối cùng.
Đầu tiên sẽ là công tác chuẩn bị thực hiện chương trình đưa người vào không gian của Ấn Độ với tên gọi là dự án Gaganyaan. Mục tiêu của dự án là đưa một phi hành đoàn gồm 3 thành viên lên quỹ đạo 400 km quanh Trái Đất trong sứ mệnh kéo dài 3 ngày. Ấn Độ dự định tiếp tục tiến hành phóng thử nghiệm tàu du hành đưa người vào không gian trong năm 2024, trước khi thực hiện sứ mệnh Gaganyaan vào năm 2025 theo kế hoạch.
Vụ phóng thử tàu vũ trụ không người lái từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, Ấn Độ, ngày 21/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngay trong ngày 1/1/2024, Ấn Độ đã phóng một vệ tinh để thực hiện nghiên cứu về các phép đo phân cực bức xạ tia X từ các nguồn thiên thể trong không gian. Tiếp theo trong năm sẽ là thực hiện các hoạt động phóng thử nghiệm để đưa robot hình người có tên Vyomitra lên không gian. Cùng với đó là triển khai các giai đoạn tiếp theo của sứ mệnh 2013 - 2014 về đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo Sao Hỏa, nhằm nghiên cứu bề mặt, bầu khí quyển và điều kiện khí hậu của "Hành tinh Đỏ". New Delhi cũng đang triển khai sứ mệnh bay vào quỹ đạo Sao Kim.
Dự kiến, trong quý I/2024, Ấn Độ sẽ phối hợp với Mỹ để phóng vệ tinh theo khuôn khổ dự án hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Hai nước đã ký thỏa thuận về dự án này trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến Mỹ hồi năm 2023. Trong dịp Năm mới 2024, Giám đốc Somanath từng nhận định: "Một năm đầy bận rộn đang ở phía trước".
Ấn Độ đang tạo cột mốc đáng chú ý trong cuộc đua không gian ngày càng sôi động ở châu Á. Hiện Trung Quốc cũng đặt mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng sớm nhất là vào năm 2030. Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ đã thực hiện thành công 7 sứ mệnh vào năm 2023, bao gồm cả việc tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của nước này đáp xuống xuống cực Nam Mặt Trăng. Nối tiếp vụ phóng thành công tàu thăm dò Mặt Trời Aditya-L1 vào tháng 9/2023, ngay từ đầu năm 2024 - ngày 6/1/2024 - tàu Aditya-L1 đã đến đích trong khung thời gian 4 tháng theo kế hoạch. Theo đó, tàu Aditya-L1 đã tự đến điểm Lagrange L1, nơi có thể nghiên cứu Mặt Trời mà không bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng che khuất thiên thể. Đây là sứ mệnh thăm dò Mặt Trời đầu tiên của ISRO.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của chương trình không gian của Ấn Độ gồm sẵn sàng chấp nhận rủi ro với chi phí thấp nhất, tối ưu hóa nguồn tài nguyên và nội địa hóa các thiết bị cùng những bộ phận quan trọng.
Theo bà Shelly Biswas, chuyên gia về vũ trụ và tên lửa thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Birla (Ấn Độ), mục tiêu bao trùm của ISRO là khai thác công nghệ vũ trụ vì tiến bộ quốc gia, đồng thời theo đuổi nghiên cứu khoa học và cải thiện năng lực của Ấn Độ trong khám phá không gian vũ trụ.
Các chuyên gia cho rằng thành công của ISRO đã thu hút mối quan tâm của các doanh nhân và thúc đẩy họ thành lập các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và khám phá không gian. Theo công ty tư vấn Deloitte, có ít nhất 190 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này ở Ấn Độ, với vốn đầu tư tư nhân tăng 77% từ năm 2021 đến năm 2022.
Theo ước tính của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, thị phần của Ấn Độ trong hoạt động thương mại toàn cầu về lĩnh vực nghiên cứu và khám phá không gian vũ trụ vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ chiếm 2% trong tổng số 447 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Khoa học và Công nghệ nước này cho biết Ấn Độ đang triển khai các kế hoạch nhằm nâng cao vị thế của mình.
Theo TTXVN/Báo Tin tức