Theo người phát ngôn của IMF Julie Kozack, thể chế tài chính này đã nhận thấy một số dấu hiệu ban đầu về chiến lược "giảm rủi ro" và sự phân mảnh trong dữ liệu mà IMF đang xem xét. Một số khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang ngày càng chảy vào các quốc gia có liên kết địa chính trị, trong khi các biện pháp hạn chế thương mại có xu hướng tăng lên trong khoảng 5 năm qua.
Trích dẫn một nghiên cứu gần đây được công bố trong Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF vào tháng 10/2023, bà Kozack cho biết đội ngũ của IMF đã đánh giá tác động kinh tế của các chiến lược "giảm rủi ro". Theo đó, IMF phát hiện một số chiến lược này tiềm ẩn lực cản đối với sự tăng trưởng. Đơn cử như việc GDP toàn cầu có thể giảm 1,8% trong một số trường hợp nhất định. Bà Kozack lưu ý trong trường hợp chiến lược "giảm rủi ro" mang tính "cực đoan" hơn, GDP toàn cầu có thể giảm 4,5%.
Cảng hàng hóa ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo rằng việc cho phép nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phân mảnh có thể khiến GDP toàn cầu thiệt hại nhiều hơn nữa. Bà Georgieva cho rằng điều quan trọng là cần giảm bớt xung đột và mâu thuẫn, tập trung giải quyết những mối quan ngại an ninh thực tế và có ý nghĩa, không thúc đẩy việc tách rời giữa các nền kinh tế trên thế giới để đảm bảo mỗi quốc gia đều được hưởng lợi ích dù khiêm tốn hơn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức