Trong cuộc bỏ phiếu kín giữa các quốc gia thành viên, ông Zniber đã giành được 30 phiếu bầu, vượt qua Đại sứ Nam Phi Mxolisi Nkosi, người nhận được 17 phiếu. Năm nay đến lượt châu Phi đảm nhận chức chủ tịch cơ quan nhân quyền hàng đầu của LHQ, nhưng các quốc gia châu Phi không thể thống nhất được một ứng cử viên duy nhất trong số 13 thành viên hội đồng - do đó phải tổ chức bỏ phiếu kín, vốn hiếm khi diễn ra.
Theo tuyên bố của Hội đồng Nhân quyền, sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Maroc nhấn mạnh công việc của hội đồng "rất quan trọng và cơ bản, đó là thúc đẩy, tôn trọng và đảm bảo các quyền con người đã được công nhận trên toàn cầu".
Phiên họp bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền tại LHQ ngày 11/10/2022. Ảnh: Nguyễn Huy/TTXVN
Bộ Ngoại giao Maroc cho biết đã “nhìn thấy tín hiệu mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế thể hiện sự ủng hộ cách tiếp cận mang tính xây dựng và vai trò dẫn dắt của Maroc trong các chủ đề chính như đối thoại liên tôn giáo, lòng khoan dung và cuộc chiến chống hận thù chủng tộc, quyền có một môi trường sống lành mạnh, bền vững, quyền của người di cư và tác động của công nghệ mới".
Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập năm 2006, có nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới cũng như giải quyết các vi phạm. Chức vụ chủ tịch của cơ quan này được luân phiên hàng năm giữa 5 nhóm khu vực.
Theo TTXVN/Báo Tin tức