Nhận định này được đưa ra trong một nghiên cứu quốc tế do Australia dẫn đầu và được Hiệp hội Giám sát Nước toàn cầu công bố ngày 11/1.
Kết quả nghiên cứu này được tổng hợp từ dữ liệu của hàng nghìn trạm quan trắc trên mặt đất trên toàn thế giới và vệ tinh cung cấp dữ liệu theo thời gian thực về lượng mưa, nhiệt độ không khí, lũ lụt, thể tích hồ, độ ẩm không khí, thảm thực vật, dòng chảy sông ngòi, điều kiện đất và nước ngầm. Theo nghiên cứu, nhiệt độ mặt nước biển và không khí tăng cao đang thúc đẩy cường độ của các cơn gió mùa, lốc xoáy và các cơn bão.
Người dân làm việc dưới trời nắng nóng tại Las Vegas, Nevada, Mỹ, ngày 12/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu cũng cho thấy trong năm 2023 có tới 77 quốc gia đã trải qua nhiệt độ trung bình hằng năm cao nhất trong ít nhất 45 năm.Chuyên gia Albert van Dijk, tác giả chính của nghiên cứu làm việc tại Đại học Quốc gia Australia và cũng là Chủ tịch Hiệp hội Giám sát Nước toàn cầu, khẳng định kết quả nghiên cứu chứng minh những cơn bão dữ dội gần đây trên toàn thế giới là một phần của một xu hướng toàn cầu.
Trong năm 2023, thế giới đã chứng kiến các cơn lốc xoáy diễn biến theo những cách bất ngờ và gây thương vong lớn. Cơn bão tồn tại lâu nhất từng được ghi nhận đã tàn phá khu vực phía Đông Nam châu Phi trong nhiều tuần. Cùng với các đợt mưa lớn gia tăng cường độ, các đợt hạn hán cũng đang trở nên thường xuyên hơn và diễn tiến nhanh hơn, dẫn tới mất mùa và các thảm họa cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Dijk lưu ý nhiệt độ nước biển ấm hơn đã thúc đẩy những "hành vi kỳ lạ" đó và thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn trong tương lai.
Dữ liệu được Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu công bố ngày 9/11 xác nhận 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, với nhiệt độ trung bình cao hơn 1,48 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo phân tích của C3S, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nền nhiệt Trái Đất ấm lên bất thường xảy ra trong năm 2023 là nhiệt độ bề mặt cao chưa từng thấy ở các đại dương trên thế giới. Trong đó, sự gia tăng nhiệt độ nước biển chịu tác động không nhỏ do hiện tượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Theo TTXVN/Báo Tin tức