Thầy giáo Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: CĐS trong nhà trường được thực hiện qua việc quản lý số đối với tất cả các loại hồ sơ, giáo viên không cần in ấn các loại hồ sơ giấy, 100% đều số hóa trên Office 365, ứng dụng Google drive. Thực hiện học bạ điện tử, sổ đăng bộ điện tử. Đồng thời nhà trường còn đồng bộ, cập nhật đầy đủ dữ liệu, thông tin, kết quả học tập của học sinh (HS) và giáo viên trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành. Việc đồng bộ, xác thực với dữ liệu quốc gia về dân cư đạt kết quả 100%. Triển khai, cấp tài khoản ứng dụng ASC đến tất cả phụ huynh và HS trong trường và sử dụng như một kênh liên hệ chính thức giữa nhà trường và phụ huynh trong việc quản lý kết quả học tập, rèn luyện của HS; công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 cũng được nhà trường triển khai đến cha mẹ HS qua việc ứng dụng phần mềm tuyển sinh, kết quả 100% HS được đăng ký tuyển sinh trực tuyến đối với lớp 10.
Giáo viên Trường THCS Lê Lợi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Năm học 2023-2024, nhà trường có 485 HS. Để thuận lợi cho cả nhà trường và phụ huynh trong thanh toán các khoản học phí không dùng tiền mặt, trường đã triển khai đa dạng phương thức tuyên truyền như: Thông báo trên website của trường, qua các nhóm Zalo của trường, lớp; thông qua các cuộc họp phụ huynh, đồng thời gửi video hướng dẫn để phụ huynh nào cũng có thể thực hiện được mà không phải đến trường đóng học phí, với tỷ lệ thu học phí không dùng tiền mặt đạt hơn 60%. Phụ huynh Nguyễn Thị Ánh, thôn Lâm Quý, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) cho biết: Việc in phiếu báo thu học phí bằng giấy đưa cho HS nhiều khi các con hay thất lạc, đánh rơi dẫn đến phụ huynh không nhận được thông tin đóng học phí kịp thời, cụ thể như thế nào. Nay nhà trường triển khai thu học phí qua ứng dụng không dùng tiền mặt đã thuận lợi rất nhiều, tôi không phải tốn thời gian đến trường đóng mà chuyển trực tiếp trên điện thoại. Cũng thông qua ứng dụng CNTT, tôi có thể thuận tiện tra cứu, theo dõi được kết quả học tập của con, cũng như các thông báo của nhà trường, giúp phụ huynh đồng hành cùng con trong việc học tốt hơn.
Đáng chú ý, CĐS trong giáo dục không chỉ được nhà trường thực hiện trong quản lý, mà công tác dạy và học cũng được đẩy mạnh. Nhà trường đã trang bị 12 ti vi thông minh có kết nối internet cho 12 phòng học, đồng thời nâng cấp đường truyền internet để phủ sóng wifi toàn trường. Giáo viên cũng tích cực thiết kế bài giảng điện tử mới, số hóa bài giảng truyền thống, chú trọng bổ sung các mô hình tương tác trực tiếp. Vì vậy giáo án không còn bị bó buộc bởi những nội dung trong sách giáo khoa mà được mở rộng kiến thức với sự kết hợp giữa phần mềm đồ họa, sơ đồ tương tác, hình ảnh, âm thanh, video clip để minh họa trực tiếp nội dung bài học và luôn được thay đổi để tiết học lôi cuốn. Thầy giáo Trần Ngọc Ân, giáo viên môn Địa lý chia sẻ: Ứng dụng CNTT trong giảng dạy môn Địa lý cho phép thể hiện thông tin địa lý theo cách trực quan hơn, HS tiếp cận nội dung bài học một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt mỗi giờ lên lớp, tôi chỉ cần đem máy tính có lưu trữ bài giảng, sau đó kết nối từ máy tính phát lên ti vi. Trong tiết học, nếu HS chưa hiểu nội dung bài giảng, tôi có thể mở rộng kho kiến thức để bổ sung bằng các hình ảnh thực tế.
Em Võ Duy Tân, HS lớp 9A chia sẻ: Thay vì chỉ được truyền đạt kiến thức từ thầy, cô giáo bằng hình thức truyền thống là đọc, chép, giảng và tiếp thu, việc ứng dụng CNTT vào dạy học em thấy tiết học rất thú vị và giúp em hiểu bài nhanh, tương tác với giáo viên nhiều hơn. Cùng với đó, để củng cố và nâng cao kiến thức, thông qua ứng dụng Zalo, thầy, cô giáo còn gửi cho chúng em đường link để mở ra làm bài tập, em có thể tự học, tự ôn tập trên kho đề có sẵn. Sau khi làm bài xong trên đường link, em sẽ biết điểm ngay, biết được câu đúng, sai và xem đáp án cùng lời giải chi tiết để bổ sung kiến thức kịp thời.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Bình, cho biết thêm: Ứng dụng CNTT, CĐS giúp việc học, tiếp thu kiến thức của HS trở nên dễ dàng hơn; công việc quản lý trường học cũng được giải quyết nhanh, giảm hồ sơ, sổ sách bằng giấy, tiết kiệm thời gian; thông tin lưu trữ, dữ liệu khoa học. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh quá trình số hóa, đảm bảo HS toàn trường cập nhật đầy đủ dữ liệu chính xác; tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, hội thảo chuyên đề về ứng dụng CNTT, CĐS trong giáo dục, ứng dụng các nền tảng số, các phần mềm trong dạy học, trong kiểm tra đánh giá,...
Kim Thùy