Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến ngày 31/12/2022, kết quả thực hiện chỉ tiêu SDĐ đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg của các địa phương đạt 8,68%. Nhằm đáp ứng nhu cầu SDĐ để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức khảo sát, kiểm tra việc thực hiện một số chỉ tiêu đất quốc gia đã được phân bổ, đồng thời nắm bắt thực tế nhu cầu của địa phương. Theo đó, Bộ TN&MT đã xây dựng phương án điều chỉnh chỉ tiêu SDĐ đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg. Đối với tỉnh ta, qua rà soát kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT xem xét, bổ sung “chỉ tiêu đất Khu kinh tế tỉnh Ninh Thuận với quy mô 43.900ha” vào dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương phân tích các chỉ tiêu điều chỉnh đã được thực hiện trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng SDĐ, đặc biệt đối với đất công nghiệp, đất trồng lúa... Đồng thời, đề xuất phương án điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương tránh gây lãng phí đất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc điều chỉnh chỉ tiêu phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Đồng thời, yêu cầu Bộ TN&MT và các địa phương thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch SDĐ đảm bảo SDĐ khoa học, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu SDĐ của các ngành, lĩnh vực, địa phương; phù hợp với định mức SDĐ; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT và các địa phương thực hiện điều chỉnh kế hoạch SDĐ phải được tiếp cận trên cơ sở kết quả thực hiện, xu thế chuyển dịch đất đai; các công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn đã có chủ trương đầu tư, tập trung tại các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia, hành lang kinh tế... theo định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với chỉ tiêu đất lâm nghiệp, chỉ xem xét đối với các tỉnh đề xuất điều chỉnh có đủ cơ sở, căn cứ thực hiện các công trình, dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh; cho phép chuyển đổi chức năng giữa các loại rừng, điều chỉnh tiến độ thực hiện giữa các giai đoạn qua kỳ quy hoạch.
Anh Tuấn