Theo Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, lần mở rộng này sẽ được tiếp nối bởi những lần mở rộng khác và BRICS là “sự hợp tác của các quốc gia bình đẳng, có quan điểm khác nhau nhưng có tầm nhìn chung để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng việc mở rộng BRICS mang tính lịch sử và là điểm khởi đầu mới cho hợp tác BRICS, thể hiện quyết tâm của các nước BRICS trong việc đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển khác, đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế và phục vụ những lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Ông Tập Cận Bình nêu rõ sự mở rộng cũng sẽ tiếp thêm sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS và tăng cường hơn nữa các lực lượng vì hòa bình và phát triển thế giới, đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ cần các nước BRICS cùng nhau hợp tác thì có thể đạt được nhiều điều và một tương lai đầy hứa hẹn đang chờ đợi các nước BRICS.
Ngày 24/8/2023, tại thành phố Johannesburg, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã ra Tuyên bố Johannesburg II, phản ánh các thông điệp chính của BRICS về các vấn đề quan trọng về kinh tế, tài chính và chính trị toàn cầu. BRICS cũng chính thức mời thêm 6 nước gia nhập khối. Ảnh: AFP/TTXVN
Tất cả các quốc gia thành viên BRICS đều khác nhau về mức độ giàu có, phát triển xã hội và khoa học, nhưng có một điểm chung là tốc độ phát triển kinh tế cao. Với các thành viên mới, BRICS sẽ chiếm khoảng 37% GDP của toàn cầu theo sức mua tương đương và 46% dân số thế giới. Điều quan trọng hơn là BRICS mở rộng quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới, đưa nhóm này trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu. Đồng thời, BRICS bao gồm không chỉ những nước khai thác mà cả tiêu thụ tài nguyên năng lượng lớn nhất thế giới. Đây là điểm tích cực để BRICS có thể đưa ra những chiến lược khai thác và sử dụng năng lượng ổn định, bền vững, vì sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức trực tuyến vào tháng 6/2022, Iran và Argentina đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức này, sau đó Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Ethiopia cũng làm điều tương tự. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 được tổ chức tại Johannesburg (Nam Phi) cuối tháng 8 vừa qua, các nhà lãnh đạo BRICS quyết định mời 6 quốc gia trên tham gia liên minh từ ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống ở Argentina hồi tháng 11 vừa qua đã dẫn tới sự thay đổi chính phủ ở nước này. Chính phủ mới theo đường lối cực hữu của Tổng thống Javier Milei đã quyết định xem xét lại việc gia nhập BRICS. Đây là lý do chỉ có 5 nước gia nhập BRICS trong đợt này.
Quyết định mở rộng nhóm phản ánh ý chí của các đồng minh BRICS hiện tại. Bằng cách này, BRICS cũng tăng cường sự hiện diện ở các khu vực như Trung Đông và châu Phi. Theo thông báo của Nam Phi, Chủ tịch BRICS năm 2023, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS, trong đó có 22 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập. Tổ chức này cũng có kế hoạch ra mắt hệ thống thanh toán của riêng mình. Các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế giữa BRICS cũng như các đối tác thương mại, đồng thời khuyến khích tăng cường mạng lưới ngân hàng đại lý giữa các quốc gia BRICS và cho phép thanh toán bằng các đồng nội tệ. Khi các nhà sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia và Iran gia nhập BRICS, hoạt động buôn bán dầu mỏ sẽ dễ dàng “phi USD hóa”.
Các chuyên gia cho rằng việc mở rộng BRICS không chỉ thể hiện xu hướng mạnh mẽ của cơ chế BRICS, vượt xa dự kiến của một số nước phương Tây như Mỹ, mà còn là phản ứng mạnh mẽ trước sự bá quyền của phương Tây. Việc thêm nhiều nước đang phát triển gia nhập BRICS đã thể hiện những mong muốn về tăng cường tiếng nói và quyền tự chủ của nhóm nước này trong các vấn đề toàn cầu, ủng hộ một trật tự quốc tế vô tư, công bằng, đa dạng và đa cực hơn, thay cho trật tự bị chi phối bởi các cường quốc kinh tế phương Tây. Bên cạnh đó, với việc BRICS mở rộng, cán cân kinh tế toàn cầu đang dần dịch chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi, phản ánh xu thế hướng tới một thế giới đa cực, qua đó tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong trật tự thế giới mới.
Trong năm đầu tiên mở rộng lên thành 10 thành viên, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS chính là LB Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến vai trò chủ tịch luân phiên của LB Nga trong năm đầu tiên đánh dấu bước ngoặt quan trọng của BRICS. Ông Putin lưu ý rằng Nga sẽ làm mọi cách có thể để giúp các thành viên mới hội nhập hài hòa với phương thức hoạt động của tổ chức này. Theo Tổng thống Putin, Nga dự định sẽ đóng góp bằng mọi cách để có thể để tăng cường vai trò của BRICS trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự toàn cầu, cũng như tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong khuôn khổ của hiệp hội.
Ngoài hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan vào tháng 10/2024 với thành phần mới, rộng rãi hơn, Nga cũng sẽ tổ chức Đại hội thể thao BRICS tại Kazan vào mùa Hè. Tổng cộng có khoảng 200 sự kiện dự kiến diễn ra trong khuôn khổ năm chủ tịch của Nga trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ, đổi mới, văn hóa...
Theo quyết định của Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg, nhiệm kỳ chủ tịch của Nga sẽ tập trung chú ý vào việc đưa các thành viên mới vào cấu trúc hợp tác đa phương; thực hiện Chiến lược đối tác kinh tế BRICS đến năm 2025 và Kế hoạch hành động vì hợp tác đổi mới giai đoạn 2021–2024. Ngoài ra, việc tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, tăng cường hợp tác về các vấn đề chống khủng bố, rửa tiền, an ninh thông tin và trí tuệ nhân tạo cũng là trọng tâm nhiệm kỳ.
Những ưu tiên khác bao gồm tăng cường vai trò của các nước BRICS trong hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu, phát triển hợp tác liên ngân hàng với trọng tâm là tăng cường thanh toán bằng tiền tệ của các nước thành viên.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn còn một chặng đường dài để phát triển BRICS thành một nhóm thống nhất, bởi hiện đây vẫn là một khối liên kết khá lỏng lẻo và chưa có sự đồng thuận cao trong nội bộ. Sự khác biệt về mức độ phát triển, hạ tầng kinh tế... khiến các thành viên BRICS cũ và mới có cách tiếp cận không giống nhau đối với nhiều vấn đề của thế giới; chính sách và tính toán của mỗi thành viên khi tham gia tổ chức cũng khác nhau, thậm chí có thể nảy sinh xung đột về quyền lợi.
Tốc độ mở rộng BRICS sẽ phụ thuộc vào phương thức hợp tác được ưu tiên - kinh tế hay chính trị. Đây là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh ở Kazan. Trong thời gian Nga làm Chủ tịch luân phiên, BRICS dự kiến sẽ hình thành kế hoạch xác định cách thức và tiêu chí để thực hiện việc kết nạp thêm các thành viên mới, tiếp tục thể chế hóa hợp tác của nhóm. Mặc dù vậy, có thể khẳng định sự mở rộng của BRICS nói riêng cũng như việc hàng loạt tổ chức khu vực và quốc tế, như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)... kết nạp thêm thành viên trong thời gian qua, đã tạo sức sống mới cho các cơ chế hợp tác đa phương giữa các nước đang phát triển. Xu thế mở rộng này được đánh giá sẽ tiếp tục trong thời gian tới bởi việc BRICS hay G20 kết nạp thành viên mới cho thấy hợp tác là con đường duy nhất để kết nối sức mạnh giữa các thành viên cho mục tiêu phát triển chung.
Theo TTXVN/Báo Tin tức