I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích:
Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mà Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư đã đề ra thành các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân.
2. Yêu cầu:
Các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền chủ động, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW, Kế hoạch này và các chủ trương khác của Đảng về y tế, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, lộ trình thời gian thực hiện và hoàn thành.
II. Mục têu đến năm 2030
1.100% thôn có nhân viên y tế được đào tạo tối thiểu 6 tháng trở lên theo khung chương trình đào tạo nhân viên y tế thôn, bản của Bộ Y tế vào năm 2025. Mỗi Trạm y tế xã có ít nhất một bác sĩ cơ hữu (biên chế tại Trạm y tế).
Bác sĩ Trạm y tế Cà Ná (Thuận Nam) tiêm chủng để phòng bệnh cho trẻ em. Ảnh: Văn Nỷ
2.Phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho toàn dân100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030.
3. Trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Trung tâm Y tế huyện (có giường bệnh) thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện.
4. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo mở rộng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị cho các Trung tâm Y tế huyện, thành phố và Trạm y tế xã, phường, thị trấn.
III. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị
- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 25-CT/TW và Kế hoạch này đến các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khoẻ cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ Nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.
Thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, yêu cầu của công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và vai trò, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khoẻ toàn dân.
2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước quan
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ đến sức khoẻ Nhân dân. Đưa các chỉ tiêu về y tế cơ sở và các chỉ tiêu liên y sức khoẻ, y tế vào trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, 10 năm của địa phương.
- Khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khoẻ cá nhân.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy y tế cơ sở, các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở bao gồm: Mỗi thôn có 01 nhân viên y tế hoạt động; mỗi xã, phường, thị trấn có một Trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực đóng chân trên địa bàn; mỗi huyện, thành phố có một Trung tâm Y tế đa chức năng (y tế dự phòng, khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm, dân số...); các cơ sở y tế lực lượng vũ trang; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất nhằm đảm bảo cho mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi dịch vụ y tế cơ bản.
Tiếp tục thực hiện thống nhất mô hình tổ chức, quản lý đối với Trung tâm Y tế cấp huyện theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về y tế, dân số, an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn; có nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn nâng cao chất lượng nguồn lực và tổ chức hoạt động chuyên môn của y tế cơ sở.
Tổ chức và hoạt động của Trạm y tế phải phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận của người dân; phải gắn với quản lý toàn diện sức khoẻ cá nhân; quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; kết hợp quân y và dân y; gắn với y tế trường học.
3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở
- Xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu trình độ, năng lực và sắp xếp, bố trí công tác đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với Đề án vị trí việc làm của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo 100% Trạm y tế có bác sỹ làm việc tại Trạm y tế xã; 100% nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; đồng thời đảm bảo chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ theo quy định.
- Thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, đào tạo liên tục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế thôn bản, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở.
Có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.
4. Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở
- Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật. Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn về nâng cao sức khỏe như: Triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu; quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân; triển khai các mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; quản lý té và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y cơ sở; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đáp ứng các dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; đảm bảo đủ thuốc có chất lượng, vật tư tiêu hao y tế phục vụ công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh.
Phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt. Phát huy vai trò, hiệu quả của y học cổ truyền trong phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ. Đẩy mạnh kết hợp quân - dân y, nâng cao năng lực y tế vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Tiếp tục thực hiện tin học hóa các hoạt động của y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai đồng bộ việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý Trạm y tế và tiếp tục thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; thực hiện việc liên thông kết nối giữa y tế cơ sở với cơ sở y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thống kê quản lý dữ liệu về y tế cơ sở thống nhất với hệ thống y tế trong cả nước.
5. Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở
- Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tăng chi cho y tế cơ sở dựa trên kết quả hoạt động và điều kiện thực tiễn; áp dụng phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản; chi trả theo hướng khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý sức khoẻ dân cư tại cộng đồng. Tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm.
- Rà soát, bổ sung nhân lực và tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở Trạm y tế xã, phường và cung cấp thiết bị y tế đảm bảo đủ năng lực triển khai các dịch vụ y tế theo nhiệm vụ của Trạm y tế xã, Trung tâm Y tế tuyến huyện; bổ sung bác sĩ y tế dự phòng cho hệ dự phòng tuyến huyện, đào tạo bác sĩ gia đình cho tuyến xã.
Tạo động lực cho việc khuyến khích cung ứng và sử dụng dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở. Đề xuất chính sách, bao gồm các chính sách, qui định về tài chính liên quan đến hỗ trợ kinh phí cho đào tạo theo địa chỉ, đào tạo cử tuyển để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các vùng khó khăn, liên kết với các Trường Đại học Y dược mở các lớp đào tạo bác sĩ gia đình tại tỉnh.
- Quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động chuyên môn và đào tạo nhân lực cho cơ sở y tế lực lượng vũ trang.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Các Ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban đảng tỉnh và các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 25- CT/TW và Kế hoạch này phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
2. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi các quy định về chế độ y tế cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
3. Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Kế hoạch này xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của giai đoạn và hàng năm với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể, phù hợp; chỉ đạo công tác nâng cao quản lý nhà nước đối với y tế cơ sở.
4. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy hướng dẫn học tập, quán triệt, định hướng tuyên truyền nội dung và kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này; chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
NT