Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (thứ 3 bên trái)
cùng các đại biểu khác tại lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Các ý kiến đóng góp của Việt Nam theo 4 chủ đề, bao gồm: Xây dựng Cộng đồng và thực hiện Hiến chương ASEAN; Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu; Cấu trúc khu vực; Các vấn đề quốc tế và khu vực.
Về xây dựng Cộng đồng và thực hiện Hiến chương ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Trưởng Đoàn Việt Nam nhấn mạnh, trên cơ sở những kết quả quan trọng đã đạt được, để hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, ASEAN cần tiếp tục nỗ lực trên các định hướng ưu tiên sau:
Thứ nhất, các nước thành viên cần thể hiện quyết tâm và nỗ lực thực hiện đầy đủ và đúng hạn các cam kết cụ thể cho từng năm, bắt đầu từ năm 2011 đến 2015.
Thứ hai, cần đẩy mạnh triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN trên cơ sở phát huy vai trò của Ủy ban Điều phối kết nối trong công tác điều phối ở cấp khu vực, đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ với các cơ quan điều phối của quốc gia. Mặt khác, các nước cần chú trọng huy động nguồn lực, nhất là tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền để thu hút sự tham gia, đóng góp từ khu vực tư nhân và các đối tác.
Thứ ba, tiếp tục củng cố và kiện toàn bộ máy làm việc của ASEAN, bảo đảm Hiến chương ASEAN được thực thi đầy đủ và hiệu quả. Theo đó, cần sớm hoàn tất các văn kiện pháp lý để triển khai Hiến chương ASEAN; đồng thời, nâng cao công tác giám sát, phối hợp đồng bộ giữa các trụ cột Cộng đồng cũng như giữa các cơ quan trong từng Cộng đồng. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ASEAN và tiến trình xây dựng Cộng đồng nhằm tạo dựng ý thức cộng đồng, tranh thủ sự đóng góp tích cực hơn của người dân, hướng tới Cộng đồng ASEAN “lấy người dân làm trung tâm”.
Với tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ việc các nước ASEAN sẽ tiến hành treo cờ ASEAN bên cạnh quốc kỳ tại các cơ quan đại diện ngoại giao bắt đầu từ "Ngày ASEAN" 8/8/2011.
Về Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm kiến nghị, thứ nhất, ASEAN cần tiếp tục tăng cường phối hợp hành động và lập trường trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ, đặc biệt cần tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban ASEAN ở LHQ, các tổ chức quốc tế, và các nước thứ ba, nhằm có những đóng góp tích cực theo cách thức phù hợp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế xử lý các thách thức toàn cầu.
Thứ hai, với các vấn đề toàn cầu, ASEAN cần lựa chọn các vấn đề phù hợp, thuộc quan tâm chung của khu vực, từ đó đẩy mạnh hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong xử lý các thách thức này. Đây sẽ là đóng góp thiết thực nhất vào các khuôn khổ hợp tác toàn cầu.
Thứ ba, ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực và dành ưu tiên, nguồn lực cao nhất cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng, cũng như cho các vấn đề ưu tiên của khu vực, mở rộng quan hệ đối tác và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Đây chính là cơ sở và nội lực để ASEAN có thể phát huy vai trò của mình trên trường quốc tế.
Việt Nam hoan nghênh nước Chủ tịch Indonesia đã dự thảo Tuyên bố hành động về Cộng đồng ASEAN trong các quốc gia toàn cầu, trong đó đề xuất nhiều biện pháp và hành động cụ thể.
Về cấu trúc khu vực, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định ASEAN cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy cấu trúc khu vực với vai trò trung tâm của ASEAN và dựa trên cơ sở phát huy các cơ chế và tiến trình hiện có, bổ sung và hỗ trợ cho nhau, phục vụ các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, xây dựng lòng tin và hợp tác, phát triển ở khu vực.
ASEAN cần chủ động đề ra các mục tiêu và định hướng ưu tiên, tích cực tham vấn và bàn bạc với các đối tác, khuyến khích các đối tác tham gia sâu rộng vào hợp tác khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng cũng như đóng góp tích cực, xây dựng vào việc xử lý các thách thức đặt ra.
Để tiếp tục duy trì và phát huy vai trò chủ đạo của mình, ASEAN cần chủ trì xây dựng chương trình nghị sự, một mặt là để xác định các ưu tiên phù hợp cho từng cơ chế, tiến trình, mặt khác, đóng góp vào mục tiêu chung là thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, bảo đảm tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực. ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, EAS cũng như các cơ chế hiện hành, kể cả ADMM+, sẽ là những thành tố quan trọng trong một cấu trúc khu vực đang định hình.
Việt Nam chia sẻ nhận thức Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tiếp tục là diễn đàn của các nhà lãnh đạo đối thoại và hợp tác về các vấn đề chiến lược quan trọng liên quan tới hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
ASEAN hoan nghênh việc mở rộng và mời Nga, Hoa Kỳ tham gia EAS. Về trọng tâm sắp tới của EAS, cùng với việc thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác ưu tiên và liên kết khu vực hiện có, EAS cần bàn chung về các vấn đề chính trị-an ninh có tầm quan trọng chung đối với khu vực, trong đó có ứng phó với thiên tai và an ninh, an toàn hàng hải.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực khác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho rằng, khu vực Đông Á đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô. Hòa bình, ổn định và an ninh tiếp tục là nguyện vọng chung của các dân tộc trong khu vực; đồng thời đối thoại và hợp tác đã trở thành xu thế chủ đạo trong quan hệ giữa các quốc gia.
Cùng với những xu thế này, ASEAN đang có những bước chuyển mình rõ rệt, hướng mạnh tới Cộng đồng ASEAN năm 2015, đồng thời ngày càng phát huy vai trò chủ đạo, tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, cũng như ứng phó với các thách thức đang đặt ra. ASEAN cũng đã thúc đẩy đoàn kết, phối hợp ngày càng chặt chẽ, tham gia đóng góp vào các hoạt động chung, thuộc quan tâm chung của khu vực và trên thế giới.
ASEAN ngày càng phát huy vai trò không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, cũng như đóng góp tích cực vào các vấn đề chung trong cộng đồng các dân tộc toàn cầu. Vai trò và phương cách của ASEAN ngày càng phát huy tác dụng và được các nước đề cao, đặc biệt là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), hiện đã có 28 nước ký kết, công nhận đây là chuẩn mực chung về cách ứng xử của các quốc gia khi tham gia hợp tác ở khu vực. Các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác, giải quyết các tranh chấp và bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương ASEAN và tinh thần đoàn kết ASEAN.
Đề cập các thách thức an ninh phi truyền thống, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nêu ý kiến, khu vực cần tăng cường hơn nữa hợp tác để ứng phó hiệu quả với các thách thức về thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh biển, an ninh lương thực và năng lượng, tội phạm xuyên quốc gia… thông qua các diễn đàn như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+.
Về Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định: Hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông là quan tâm, lợi ích chung và nguyện vọng thiết tha của khu vực cũng như tất cả các nước. Tất cả các nước phải triệt để tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của ASEAN tích cực trao đổi, hướng tới hoàn tất dự thảo Quy tắc hướng dẫn triển khai DOC, cũng như nối lại các cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) ASEAN-Trung Quốc về việc thực hiện DOC trong dịp các Hội nghị Bộ trưởng lần này.
Về hợp tác Tiểu vùng Mekong, ASEAN cần tăng cường hơn nữa các khuôn khổ hợp tác các tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng Mekong, một bộ phận trong xây dựng Cộng đồng và Kết nối ASEAN. Cần tăng cường vì sự phát triển bền vững ở Tiểu vùng Mekong, kết hợp hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế với bảo đảm tính bền vững về môi trường, tăng cường hợp tác song phương và đa phương về kết nối giao thông, hạ tầng, trao đổi thương mại, đầu tư, dịch vụ, du lịch…, qua đó giúp phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực này.
Đồng thời, vì mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự hợp tác chặt chẽ và đồng thuận của các nước liên quan, bảo đảm lợi ích của dân cư và sự phát triển bền vững của tất cả các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn.
Theo TTXVN