Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải phụ trong lĩnh vực Công nghệ số. Trong đó, giải Nhất với chủ đề: "Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS - SINOVA" của nhóm tác giả Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển công nghệ điện tử tự động hóa DKS đã xuất sắc vượt qua các đề cử khác để giành ngôi vị cao nhất. Đây là sản phẩm giúp sinh viên trải nghiệm thực hành như trên thiết bị thật nhưng an toàn hơn và có thể thực hiện nhiều lần, với nhiều kỹ năng, vừa giúp giảm chi phí đầu tư, vừa tạo ra không gian cho sinh viên sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo giải thưởng Nguyễn Thị Doan và ông Tô Thái Dũng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT trao giải Nhất cho nhóm tác giả "Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS - SINOVA". Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Ba giải phụ của giải thưởng lĩnh vực Công nghệ số gồm: Giải vì sự nghiệp khuyến học được trao cho nhóm tác giả đến từ VTC Online, với sản phẩm "Chương trình học và thi Olympic tiếng Anh trên Internet"; giải Kết nối cộng đồng thuộc về nhóm tác giả Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ ezCloud toàn cầu với "Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch ezCloud"; và giải Cống hiến vì cộng đồng của nhóm tác giả Công ty Trách nhiệm hữu hạn Doanh nghiệp xã hội chống lừa đảo với sản phẩm "Chống lừa đảo".
Ban tổ chức trao giải Nhì "Giải thưởng lĩnh vực cộng nghệ số" cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Năm nay, lĩnh vực Công nghệ số đã thu hút hơn 300 tác giả dự thi với 156 sản phẩm công nghệ, nhiều tác giả trẻ ở độ tuổi 19-30. Vòng thi chung khảo lĩnh vực Công nghệ số Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023 đã diễn ra vào ngày 17/12 tại Hà Nội.
Lĩnh vực Y dược không có giải Nhất, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhì cho Công trình "Thẩm mỹ mũi bằng sụn sườn tự thân hoàn toàn (sống mũi được tạo hình bằng sụn sườn dập mềm cắt mịn) của Phó Gs Đỗ Quang Hùng và Thạc sĩ Lê Hoàng Vĩnh , Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh. Giải Ba: Công trình "Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson". Giải Triển vọng: Công trình "Giá trị các chỉ dấu sinh học hTERT mRNA, AFP, AFP-L3, DCP trong phát hiện bệnh ung thư tế bào gan".
Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 2 giải thưởng dành cho 2 nhóm tác giả, với giải Nhất thuộc về công trình "Ứng dụng Công nghệ đập trụ đỡ và các giải pháp khoa học mới trong thiết kế, thi công công trình cống Cái Lớn - Cái Bé" của nhóm tác giả: Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Hòa và các cộng sự Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; giải Nhì thuộc về công trình "Vắc-xin kép vô hoạt phòng bệnh phù đầu và phó thương hàn lợn (COLISAL)" của các tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân, Tiến sĩ Lê Lập, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thắm - Phân viện Thú y miền Trung.
Ban tổ chức trao giải Ba "Giải thưởng lĩnh vực cộng nghệ số" cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Ở Giải thưởng trong lĩnh vực Tự học thành tài, Ban Tổ chức cũng đã vinh danh 5 cá nhân và các đề án sáng chế, cụ thể: Đề án "Nghiên cứu, bào chế bài thuốc chữa bỏng thuốc mỡ sinh cơ và cải tiến phương pháp sử dụng thuốc trong quá trình điều trị vết thương bỏng cho bệnh nhân" của tác giả Đào Viết Thoàn (Thái Bình); Đề án "Kéo cắt tỉa đa năng" của tác giả Lê Phước Lộc (Tiền Giang); Đề án "Đầu tưới phun mưa lệch tâm" của tác giả Nguyễn Văn Hai (Bình Thuận); Đề án "Máy cày phao nổi và máy trục- ước mơ nhà nông" của tác giả Nguyễn Văn Rô (Cà Mau); Đề án "Cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao được công nhận OCOP 5 sao" của tác giả Bùi Thị Mão (Phú Thọ).
Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ban tổ chức giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" phát huy kết quả đạt được; đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các lĩnh vực khoa học phù hợp khác vào Giải thưởng như khoa học sư phạm, khoa học giáo dục với những công trình nghiên cứu về mô hình trường học thông minh, lớp học trực tuyến, tài nguyên giáo dục số hóa, đặc điểm tâm lý của học sinh, sinh viên trong kỷ nguyên số, đặc biệt là phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ban tổ chức trao giải thưởng trong lĩnh vực Y - Dược cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Khởi động lại sau 2 năm tạm dừng do dịch COVID-19, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đối mặt với một số khó khăn khách quan, nhiều doanh nghiệp, tập thể, cá nhân chưa đầu tư chủ động sẵn sàng tham dự giải. Với quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức, sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương, giải năm nay đã thu hút được sự tham gia dự thi của hơn 400 tác giả trong các lĩnh vực: Công nghệ số, Y dược, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khuyến học – Tự học thành tài. Các công trình nghiên cứu khoa học và sản phẩm công nghệ dự thi có số lượng vượt trội so với các năm trước.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được khởi xướng từ năm 2005 do Hội Khuyến học Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phối hợp tổ chức. Đến nay, Giải thưởng đã thu hút trên 7.500 tác giả, nhà khoa học với hơn 3.600 sản phẩm và công trình khoa học dự thi. Giải đã tôn vinh 210 sản phẩm công nghệ thông tin và công trình khoa học, trong đó có 50 sản phẩm được áp dụng triển khai ra thị trường khu vực và thế giới.
Theo TTXVN/Báo Tin tức