Xác định hạ tầng phải đi trước, đồng bộ, hiện đại hóa để đáp ứng được yêu cầu thông tin tuyên truyền, nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển KT-XH cho vùng đồng bào DTTS&MN, thời gian qua UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đến nay, hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình cáp. Có 187 điểm chuyển mạch, 196 tuyến viba, 51 tuyến cáp đồng dài 316km, 825 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 7.312km; 1.911 trạm BTS gồm: 502 trạm 2G (điện thoại và tin nhắn), 718 trạm 3G (điện thoại, tin nhắn, truy nhập internet), 691 trạm 4G (điện thoại, tin nhắn, truy nhập internet tốc độ cao), 674 vị trí trạm BTS, 9 trạm điều khiển thông tin di động BSC, đã phát sóng thử nghiệm 6/75 trạm 5G. Qua đó tạo thuận lợi cho người dân vùng khó khăn tiếp cận thông tin kịp thời, đáp ứng nhu cầu đời sống, học tập, lao động sản xuất.
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân xã Ma Nới (Ninh Sơn) truy cập các dịch vụ công trực tuyến thông qua điện thoại thông minh.
Tổng thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh là 690.503 thuê bao, đạt mật độ 116,3/100 dân; tổng số thuê bao internet băng rộng trên toàn tỉnh là 340,656 thuê bao, mật độ là 98 thuê bao internet/100 dân. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ sóng hộ gia đình đạt tỷ lệ 90% và 78% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng. Các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, đảm bảo phủ sóng đến tất cả khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính (Bác Ái) cho biết: Xã có 3 thôn với 499 hộ dân, trong đó dân tộc Raglai chiếm đến 95% dân số. Để giúp bà con DTTS quen dần với thiết bị thông minh, ngoài việc lắp wifi ở nhà văn hóa thôn, xã còn phân công lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ bà con truy cập các dịch vụ công, tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội.
Hiện 100% cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có Tổ công nghệ số cộng đồng với số lượng 446 Tổ công nghệ số cộng đồng địa phương tại các thôn, khu, xóm. Qua đó, không chỉ giúp các địa phương làm tốt công tác nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà người dân còn được hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số,...
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại; triển khai ứng dụng CNTT cho hạ tầng cáp quang để đáp ứng băng thông cho phát triển kinh tế số, xã hội số; triển khai công nghệ mới cho trung tâm dữ liệu để bảo đảm chất lượng dịch vụ trên hạ tầng viễn thông; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; tập trung nâng cấp mạng di động 4G, triển khai hạ tầng mạng di động 5G; thí điểm những ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để chuyển đổi số... Đồng thời, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và địa phương trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nguồn nhân lực CNTT trong chuyển đổi số.
Anh Thi